Tứ Diệu Đế là một trong những nền tảng giáo lý Phật pháp giúp con người hiểu rõ được sự khổ, nguyên nhân và cách để chấm dứt chúng. Bài viết sau đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tứ diệu đế là gì và ý nghĩa cụ thể để hiểu rõ hơn về giáo lý này!
Tứ Diệu Đế nghĩa là gì?
Để hiểu được Tứ Diệu Đế là gì chúng ta hãy cùng giải nghĩa cụ thể từng từ như sau:
- “Tứ” nghĩa là bốn
- “Diệu” có nghĩa là diệu kỳ, màu nhiệm
- “Đế” là sự thật.
=> “Tứ Diệu Đế” có nghĩa là 4 sự thật nhiệm màu. “Tứ Diệu Đế” còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như “Tứ Thánh Đế”, “Tứ Chân Đế”. Đây là bốn điều chân thật được Đức Phật Thích Ca phát hiện, chứng nghiệm và tuyên bố về kiếp nhân sinh của con người.
Nhân duyên ra đời của Tứ Thánh Đế là gì?
Sau 49 ngày đêm thiền định ở dưới cội Bồ Đề, Thái tử Tất Đạt Đa thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, Ngài trở thành bậc Chính Đẳng Chính Giác với hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chính Ngài đã chứng đạo tối thượng, thấu tỏ 4 sự thật của thế gian là Tứ Diệu Đế. Khi đó, tâm Ngài lắng trong thanh tịnh, diệt trừ mọi khổ đau, cấu uế và phiền não.
Với lòng từ bi vô tận, Ngài muốn mang sự thật này để thuyết giảng, giáo hóa cho muôn loài để chúng sinh có thể thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Tứ Thánh Đế được Đức Phật thuyết giảng trong bài kinh đầu tiên được gọi là chuyển bánh xe Pháp. Ngoài ra, Ngài cũng thuyết Pháp độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như để giác ngộ và giải thoát. Cũng từ đây mà Tăng đoàn được thành lập, giúp tạo nên con đường hoằng dương chính Pháp rộng lớn.
Tứ diệu Đế gồm những gì?
Giáo lý Tứ Diệu Đế bao gồm các yếu tố cơ bản như:
- Khổ đế: Có nghĩa là sự thật về đau khổ
- Tập đế: Nguyên nhân của đau khổ ở trong cuộc sống
- Diệt đế: Có nghĩa là chấm dứt đau khổ, tham ái
- Đạo đế: Là con đường giúp giải phóng con người khỏi đau khổ
Cụ thể nội dung của giáo lý như sau:
Khổ đế
Đức Phật nói đời là khổ, sinh, già, bệnh, chết là khổ, yêu nhau phải xa, ghét nhau phải gặp mặt, cầu không được cũng là khổ,… Cho dù chúng ta có là vua, tướng hay bất kỳ là ai thì cũng đều khổ, đều chịu quy luật vô thường:
– Sinh là khổ: Khi mang thai thì người mẹ và thai nhi trong bụng đều đau khổ. Người mẹ để sinh được con rất vất vả và nguy hiểm, còn đứa trẻ khi sinh ra sẽ phải làm việc vất vả để có thể mưu sinh. Vì thế nên Phật mới dạy sinh ra đời là khổ.
– Già là khổ: Khi bước đến độ tuổi 50, 60, 70 con người mới thấm thía nỗi khổ với các biểu hiện như: Mắt mờ, tai điếc, lưng còng, tay mỏi, gối chùn, lú lẫn,… Càng về già con người càng hết giá trị, nên già là khổ và không ai trong chúng ta thích già.
– Bệnh là khổ: Bệnh tật khiến chúng ta vô cùng đau đớn và sợ hãi. Là con người thì không một ai thích bệnh tật.
– Chết là khổ: Chết là chấm hết cuộc đời, là buông bỏ và để lại hết mọi thứ và con đường phía trước không biết đi về đâu. Chết là sự khổ lớn nhất của chúng sinh, nhưng đã là con người thì ai cũng sẽ phải chết.
– Cầu bất đắc khổ: Con người có rất nhiều mong ước khác nhau như: Tiền tài, công danh, sự nghiệp, tình duyên, con cái,… nên hay đi chùa, đi phủ khấn vái để được toại nguyện. Nhưng khi không được toại nguyện thì buồn khổ.
– Ái biệt ly khổ: Khi những người mà mình yêu quý, mến mộ mà phải xa mình thì là khổ. Cha mẹ ly hôn, bạn bè người thân đi xa cũng là khổ.
– Oán tắng hội khổ: Ghét nhau, không ưa nhau nhưng lại phải thường chạm mặt nhau, phải ở cùng nhau là khổ.
– Ngũ ấm xí thịnh khổ: Bao gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ngũ ấm nếu như thịnh quá cũng khổ, suy quá cũng khổ. Dục vọng ham muốn khiến cho chúng ta phải khổ.
Để cảm nhận, hiểu được sự khổ trong Khổ con người cần tư duy, nhận biết và hiểu rõ được về những nỗi khổ. Những thứ mà chúng ta cho rằng vui sướng, khoái lạc, hạnh phúc chỉ là giả tạm, không có thật. Chúng chỉ là những biến thể của cái khổ chứ không phải là hạnh phúc.
Xem thêm: Tứ đổ tường là gì? Sự khác nhau tứ đổ tường và tứ khoái là gì?
Tập Đế
Tập đế nhằm để nói về nguyên nhân dẫn đến cái khổ, theo đó nguyên nhân của cả 8 cái khổ trên đều bắt nguồn bởi vô minh và ái dục, cụ thể:
– Vô minh: Là tình trạng tâm trí si mê, không tỉnh táo, nguyên nhân dẫn đến sự quên mình, quên người là bởi:
- Hôn trầm, thụy miên: Trạng thái mệt mỏi về thân lẫn tâm, hôn trầm là thờ ơ, tiêu cực,… thụy miên là buồn ngủ, luôn lừ đừ,…
- Trạo hối gồm có trạo cử và hối quả: Trạo cử là trạng thái tâm bị dao động và phóng lên như vọng tưởng, mơ mộng. Còn trạo hối là trạng thái tâm bị dao động và phóng xuống, gồm tiếc nuối quá khứ, trầm uất về những điều đã qua.
- Nghi: Là trạng thái lưỡng lự, do dự, lạc lối và không định hướng.
Cả 3 trạng thái này làm che mờ, chi phối khiến chúng ta bị mất đi sự tỉnh thức, tạo khổ ải cho mình và người.
– Ái dục: Gọi chung cho cả tham – sân – si:
- Tham: Là lòng tham, muốn giữ lại thứ mà mình yêu thích. Tuy nhiên, vạn vật vô thường nên dây là những ham muốn sai lầm. Muốn giữ người thân mãi bên cạnh mình là sai lầm, vì ai cũng phải chịu quy luật sinh tử tự nhiên hay rời đi để thực hiện lý tưởng sống.
- Hạnh phúc, món ăn, sắc đẹp,… bị chi phối bởi định luật và bị biến đổi. Sẽ không có gì là mãi mãi bên ta.
- Sân: Là trạng thái tâm lý bực tức, bất mãn, oán hận với những sự kiện khiến chúng ta không vừa ý. Thời tiết có như thế nào cho dù ta không vừa ý cũng vẫn sẽ đến, hay người mà ta không ưa cũng sẽ vẫn tồn tại xung quanh ta.
- Si: Là trạng thái đần độn, nghi hoặc, giống như một xác chết vật vờ, mọi thứ đều không vừa lòng, chỉ có ăn ngủ, thụ hưởng là chính.
Diệt Đế
Tập đế là nhân, khổ đế là quả và diệt đế là quả sẽ mất. Diệt đế là dụng ngữ đầy trí tuệ của Đức Phật để nói về sự chấm dứt của mọi ảo tưởng tham, sân si, vô minh, ái dục.
Khi tu tập nếu như chúng ta cố dùng đạo để diệt khổ đế là sai lầm. Bởi ánh sáng đến thì bóng tối sẽ lui vào, nhưng chúng ta sẽ không thể nào hoàn toàn diệt được khổ.
Niết bàn không mô tả bằng khái niệm như: sinh, diệt, tới, đi, còn, mất, có, không,… Bơi các khái niệm này được đặt ra từ tâm trí con người, cho nên chúng không có khả năng phản ánh được thực tại. Nếu chỉ tìm cõi sống mà chỉ có thanh tịnh, luôn luôn tốt đẹp có nghĩa là chúng ta đã rơi vào bẫy của vô minh và ái dục.
Ví dụ được các nhà sư hay nói đến nhất là nước và sóng. Sóng có thể rối ren, lạc lối vì chúng cho rằng bản thân không bằng được những ngọn sóng khác. Nhưng nếu như sóng nhìn sâu thì có thể nhận ra chúng và những con sóng khác đều có chung bản chất là nước. Nhờ vậy mà sự sợ hãi, tự ti sẽ biến mất. Đây là sự tự do muôn đời của Niết Bàn không bị ràng buộc bởi bất kỳ ý niệm nào.
Xem thêm: Vô vi là gì trong Phật giáo và tư tưởng vô vi của Lão tử
Đạo Đế
Đạo Đế trong Tứ Diệu Đế là con đường, phương pháp diệt khổ, con đường này sẽ giúp chúng sinh chấm dứt khổ đau, để đến được với hạnh phúc chân thật. Đạo đế là những phương pháp đúng đắn để có thể diệt trừ được khổ đau. Đây là chân lý để con người có thể đi đến cảnh giới Niết Bàn. Nói một cách dễ hiểu thì đây là phương pháp tu hành để giúp diệt khổ, an vui.
Đạo đế là con đường diệt khổ được tu tập theo bát chánh đạo gồm: Kiến, tư duy, ngữ, nghiệp, mạng, tấn, niệm, định. Tu tập thêm giới, định, tuệ có chức năng để bổ trợ cho bát chánh đạo:
- Ngũ Căn: Tín, niệm, tấn, định, tuệ
- Ngũ Lực: Tín lực, niệm lực, tấn lực, định lực, tuệ lực
- Tứ Chánh Cần: 4 tấn
- Tứ Niệm Xứ: 4 niệm
- Tứ Như Ý Túc: Tấn, dục, tâm, tuệ
- Thất Giác Chi: Niệm, pháp, tấn, hỷ, an, định, xả
Qua bài viết này chúng ta đã có thể hiểu rõ hơn về tứ diệu đế là gì, cũng như những điều cơ bản về giáo lý này. Qua đó để tu tập nhằm hướng đến con đường giác ngộ, giải thoát, an vui cho chính mình.