NEET lần xuất hiện đầu tiên tại Anh vào cuối thập niên 90, nhưng những năm gần đây hiện tượng này đã có mặt tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và trở thành một vấn đề xã hội đáng lo ngại, nhất là ở những nước phát triển, đang phát triển. Cùng tìm hiểu NEET là gì, NEET là gì trong Anime, Manga qua bài viết dưới đây.
NEET là gì?
NEET là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Not in Education, Employment or Training”, có nghĩa là không học hành, không việc làm, không đào tạo.
NEET là thuật ngữ dùng để chỉ những người trong độ tuổi từ 15-34 tuổi, không quan tâm đến học hành, không có công ăn việc làm và cũng chẳng tham gia khóa đào tạo nào.
Có thể tạm gọi họ là những người “lông bông”, sống xa cách xã hội, họ ăn bám vào gia đình, xã hội, một số do gia đình có điều kiện được “bao nuôi” gần như trọn gói.
NEET thường được nhắc đến trong văn hóa Nhật Bản, tuy nhiên hiện nay không chỉ ở Nhật, NEET được sử dụng rất phổ biến trên khắp thế giới. Nhưng tùy vào mỗi quốc gia mà định nghĩa NEET là gì có khác nhau, cũng như cách nhìn nhận về NEET cũng hoàn toàn khác.
Hội chứng NEET là gì trong Anime, Manga và đời sống Nhật Bản?
Với người Nhật, NEET là những người suốt ngày chỉ biết chơi game. Họ bản chất vẫn là người có đi học, có công việc làm ra tiền và thậm chí là có địa vị trong xã hội nữa. Nhưng bản thân họ dành phần lớn thời gian cắm mặt vào game và sống khá cách biệt với xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều người được gọi là NEET là vì học xong nhưng không tìm được việc làm nên suốt ngày ở nhà chơi game và lâu dần thành người chỉ biết ăn bám gia đình, xã hội. Một số ít còn lại vì gia đình có sẵn điều kiện nên họ tự mình tách biệt với xã hội.
NEET là gì trong Anime, Manga? Trong Manga hay Anime, người mắc hội chứng NEET thường sẽ là những nhân vật ẩn dật có một số tài năng cực đáng nể. Ví dụ như họ có thể tìm kiếm bất kỳ thông tin gì trên Internet một cách cực nhanh, có trí nhớ cực tốt cũng như chơi game xếp vào “thần sầu”.
Điều quan trọng, NEET trong Anime, Manga là những người hoàn toàn bình thường, có thể gia nhập vào cộng đồng, khi họ thích hoặc có nhu cầu. Còn việc cách ly xã hội không phải là bản chất thật của họ, mà phần lớn là do hoàn cảnh gây nên.
Xem thêm: Hội chứng hikikomori là gì? Hậu quả của Hikikomori
Định nghĩa NEET là gì ở các nước khác?
NEET là từ xuất phát ở Vương quốc Anh, nhưng ở những quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc,…mọi người đã quen và sử dụng NEET để chỉ những kẻ ăn bám trong xã hội.
Cuộc sống của họ được gia đình đảm bảo nên họ không phải suy nghĩ gì, chỉ biết ăn và chơi game. Họ tự cách ly bản thân mình khỏi xã hội. Họ ỷ lại gia đình và không muốn làm việc, chỉ suốt ngày chơi game và chơi game mà thôi.
Ở Trung Quốc, theo các bài phân tích đa số NEET đều được sinh ra trong giai đoạn đầu áp dụng chính sách một con, chính sách giới hạn sinh đẻ khắt khe của nước này. Lớn lên trong giai đoạn kinh tế đất nước phồn vinh, những cô cậu ấm này được bố mẹ và ông bà cung phụng hết mực, thậm chí khi con cái đã trưởng thành họ vẫn không ngừng cung cấp tài chính cho chúng.
Họ đã tập trung hết thời gian tiền bạc và sức lực cho đứa con duy nhất, không ý thức được hậu quả từ cuộc sống quá đầy đủ khiến con trẻ dần mất đi ý thức phấn đấu và dễ dàng từ bỏ ước mơ, sẵn sàng ăn bám.
Chúng ta có thể đổ lỗi cho các bậc phụ huynh vì quá cưng chiều con đã tạo ra hội chứng NEET, tuy nhiên xét cho cùng cũng không thể phủ nhận đây là một hiện tượng xã hội tất yếu, khi nền kinh tế phát triển vượt bậc, cuộc sống ngày càng ngột ngạt hơn bởi sức ép của sự cạnh tranh.
Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh NEET là gì?
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc một người mắc phải hội chứng NEET:
Thất bại trong các mối quan hệ
Trong tất cả các mối quan hệ xã hội như đồng nghiệp, cấp trên, bạn học,…thì giao tiếp là điều không thể nào thiếu. Những người mắc hội chứng NEET thường không dung hòa được các mối quan hệ đó, họ ngại giao tiếp, kém tự tin. Từ đó họ không có những mối quan hệ xã hội, không thể giao tiếp bất kỳ với ai, dần dà cảm thấy cô đơn và bị cô lập, lâu dần sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng.
Khi điều này xảy ra, công việc, học tập trở thành gánh nặng và áp lực vô hình đè lên đôi vai NEET, khiến họ không thể chịu nổi và quyết định rời bỏ môi trường đem lại nhiều “đau khổ” đó.
Và một khi các mối quan hệ có vấn đề, họ sẽ càng trở nên nhút nhát, ái ngại và sợ hãi mỗi khi phải giao tiếp hay bắt chuyện với một ai đó. Cuối cùng dẫn đến việc họ quyết định cắt đứt mối quan hệ giữa bản thân và xã hội.
Xem thêm: Tự kỷ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách chữa trị
Được nhận hỗ trợ tài chính từ phụ huynh
Nhiều thanh thiếu niên dù đã trưởng thành nhưng vẫn được phụ huynh bảo bọc quá mức, bố mẹ giàu có và sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho con cái. Từ đó nhiều người ỉ lại, họ thấy mình không cần phải làm việc mà chỉ cần “ngồi chơi xơi nước” là được.
Và một khi đã quen với môi trường dễ dàng, có mọi thứ mình muốn trong tay mà không cần bỏ công sức, thì nhiệt huyết cũng như mục đích để làm việc sẽ dần biến mất. Họ dành nhiều thời gian cho các thú vui trên mạng hơn là cuộc sống thực tế. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người trở thành NEET, và nếu cứ tiếp tục nhận hỗ trợ tài chính từ ba mẹ thì họ sẽ khó mà thoát được trạng thái này để tự lập.
Xin việc thất bại, bỏ việc
Khi kinh tế phát triển, sự cạnh tranh xuất hiện trong mọi mặt, có nhiều người thất bại trong quá trình ứng tuyển rồi trở thành NEET. Việc thất bại quá nhiều khiến họ mất đi sự nhiệt tình ban đầu và trở nên ái ngại, nhụt chí đi xin vào một nơi làm việc mới.
Bên cạnh đó, có những người thành công tìm việc và đi làm tại nơi đó, nhưng trong quá trình làm việc có một vài vấn đề diễn ra khiến họ thất vọng và tổn thương, chìm sâu trong sự u uất và rồi trở thành NEET.
Xem thêm: Waifu là gì? Husbando là gì? 10 waifu quốc dân được yêu thích nhất
Hậu quả mà NEET mang tới là gì?
NEET trở thành tên gọi, biểu hiện của một thế hệ tuyệt vọng và thường được cho là căn bệnh xã hội của các nước giàu có trên thế giới và là tệ nạn với Việt Nam.
Với các nước phát triển thì họ không cần làm việc thì cuộc sống vẫn đảm bảo và không phải lo lắng về cuộc sống hiện tại, bởi họ được chu cấp đầy đủ từ gia đình, các chính sách an sinh.
Còn đối với nước ta thì đây là một điều cần phải quan tâm, vì chỉ có 30% NEET Việt Nam là không cần quan tâm đến tài chính, 70% còn lại là một mối nguy ngại vì họ không thể chu cấp được cho nhu cầu bản thân, cho việc chơi game từ đó sẽ dẫn tới các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp bóc,…
Tuy nhiên, trong tất cả trường hợp này thì chúng ta vẫn cần phải có biện pháp để cởi bỏ dây xích giam giữ những người mang tình trạng NEET này.
Thông tin bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được NEET là gì? NEET có thể gây ra những hậu quả xấu cho đời sống xã hội. Thế nên gia đình, nhà trường cần chung tay, quan tâm đến đời sống con em để giúp họ có thể thoát khỏi tình trạng NEET.