Những năm gần đây chắc hẳn chúng ta không còn xa lạ gì với thuật ngữ LGBT tuy nhiên không phải ai cũng thực sự hiểu rõ LGBT là gì. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về giới tính thứ 3 trong bài viết sau đây nhé!
LGBT là gì?
LGBT là viết tắt của từ: đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), song tính (Bisexual) và chuyển giới (Transgender).

Những thuật ngữ này dùng để phân biệt với những người dị tính (Straight) khác – những người bị hấp dẫn bởi người thuộc giới tính trái ngược với mình. Trong đó:
- Gay dùng để chỉ một người nam bị thu hút bởi những người cùng giới.
- Lesbian (Les) là một người phụ nữ bị thu hút bởi những người phụ nữ khác.
- Bisexual dùng để chỉ một người (nam hoặc nữ) bị thu hút bởi cả hai giới.
- Transgender là những người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học, tức là họ có biểu hiện sinh học trên cơ thể thuộc giới này nhưng luôn cảm thấy mình giống giới tính còn lại. Họ luôn có cảm giác bị mang nhầm cơ thể nên rất khao khát phẫu thuật chuyển sang giới tính họ muốn.
Tuy nhiên, rất nhiều người trong thế giới thứ 3 cảm thấy họ không phải là 100% đồng tính (homosexual), thẳng tính hay song tính luyến ái.
Cộng đồng LGBT là gì?
Đây là cộng đồng của những người có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác với những người bình thường. Cộng đồng này bao gồm các nhóm nhỏ khác như cộng đồng Les, cộng đồng gay, cộng đồng người chuyển giới…

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học giới tính đã xuất hiện thêm các xu hướng tình dục mới, thuật ngữ LGBT đã được mở rộng thành LGBTQ, LGBTQIA. Trong đó:
- Q – Queer: dùng để chỉ những người có xu hướng tính dục không thuộc các phân loại khác.
- I – Intersex: dùng để chỉ người liên giới tính, có đặc điểm giới tính không điển hình là nam hay nữ. Ví dụ, một bé trai có dương vật nhỏ hơn kích cỡ trung bình hoặc có một rãnh nhỏ gần giống với âm đạo.
- A – Asexual: người vô tính, là những người không cảm thấy hấp dẫn tình dục với cả người cùng giới lẫn khác giới.
Cộng đồng LGBT thường phải chịu sự kỳ thị của xã hội do khác biệt về xu hướng tính dục của bản thân. Nhiều người không hiểu LGBT có nghĩa là gì mà thường cho rằng đây là một loại bệnh tâm thần và tìm cách chữa trị bằng các liệu pháp tâm lý. Phải đến năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Mỹ mới không còn xem đồng tính luyến ái là bệnh tâm thần nữa.
Khoảng ba thập kỷ gần đây, các nước phương Tây mới hình thành văn hóa LGBT và những người thuộc cộng đồng này dần được đối xử như người bình thường và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực chính trị, xã hội.

Tuy nhiên, ở Việt Nam do ảnh hưởng của nền văn hóa Á Đông nên nhiều người không dám công khai xu hướng tính dục của mình, sợ bị kỳ thị đồng tính. Những năm gần đây, có rất nhiều chương trình thảo luận về người đồng tính và nhiều người thành đạt công khai giới tính thật của mình nên người dân đã có tư tưởng thoáng hơn và tạo động lực cho cộng đồng LGBT phát triển mạnh mẽ.
Xem thêm: Come out trong LGBT là gì? Nên làm gì trước khi Come out
Ngày chống kỳ thị LGBT là ngày nào?
Trước khi được Liên Hợp Quốc công nhận, ngày 17/5 được xem là Gay Day tại Đức. Mãi đến năm 2014, với nỗ lực không ngừng của 24000 cá nhân và các tổ chức LGBT lớn thì ngày 17/5 mới chính thức trở thành Ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính, dị tính và chuyển giới (IDAHOBIT), hay còn gọi là ngày Quốc tế chống kỳ thị LGBT.
Ngày LGBT được chính thức công nhận tại nhiều quốc gia như Canada, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Bỉ, Croatia, Hà Lan, Pháp, Mexico, Costa Rica, Venezuela và Liên minh châu Âu…
Mục đích của ngày kỷ niệm này là thay đổi và nâng cao nhận thức của xã hội về nạn bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử với hội LGBT trên thế giới.
Trong ngày này có rất nhiều hoạt động diễn ra như: Diễu hành cờ lục sắc (biểu tượng của cộng đồng LGBT), tuần hành và lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, hội thảo, các cuộc thi tài năng… Ví dụ, cuộc diễu hành đường phố vinh danh ngày 17/5 do con gái của Chủ tịch Cuba Raul Castro dẫn đầu tại Cuba, lễ hội âm nhạc “Love Music Hate Homophobia”, Global Rainbow Flashmob…

Tại Việt Nam, cũng có rất nhiều hoạt động bổ ích được tổ chức như diễu hành VietPride, các hội thảo về LGBT… với sự ủng hộ của nhiều nhãn hàng cũng như các tổ chức xã hội trong và ngoài nước.
Ý nghĩa của cộng đồng LGBT là gì?
Cộng đồng LGBT đã xuất hiện từ rất lâu với sự tham gia của nhiều nhóm giới tính với nhiều sự kiện, phong trào thu hút sự chú ý của xã hội. Ngoài ra, còn có sự tham gia của cộng đồng những người dị tính ủng hộ LGBT.
Ý nghĩa của LGBT là nhằm thay đổi cách nhìn của xã hội, chia sẻ và kêu gọi sự ủng hộ đối với những người trong cộng đồng LGBT. Cộng đồng này đang ngày càng mở rộng để mọi người đều có thể tham gia và được sống thật với giới tính của mình.
Các quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới hiện nay
Các nước trên thế giới công nhận hôn nhân đồng giới bao gồm: Hà Lan, Bỉ, Canada, Tây Ban Nha, Nam Phi, Na Uy, Thụy Điển, Iceland, Bồ Đào Nha, Argentina, Đan Mạch, Uruguay, New Zealand, Pháp, Brazil, Anh và Wales, Scotland, Phần Lan, Ireland, Mỹ, Colombia, Đức, Úc, Đài Loan…

Tại các quốc gia này, thành viên của cộng đồng LGBT được cấp các quyền cơ bản của công dân như: quyền nhận con nuôi, quyền tiếp cận với các biện pháp chuyển giới, luật bình đẳng di trú…
Ngoài ra, một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng đang dần đón nhận cộng đồng này, trong đó có Việt Nam. Họ không coi LGBT là bất hợp pháp nhưng cũng chưa chấp nhận hôn nhân đồng giới. Người thuộc cộng đồng LGBT vẫn được học tập, làm việc, tham gia các hoạt động xã hội.
Qua bài viết trên đây chắc hẳn các bạn đã hiểu LGBT nghĩa là gì đúng không? Hy vọng các bạn sẽ có thêm những hiểu biết đúng đắn về thế giới LGBT và dần xóa bỏ sự kỳ thị để mỗi người đều có cơ hội được sống là chính mình.