Một trong những bộ phận quan trọng không thể thiếu của máy bay đó là hộp đen máy bay. Nhờ có hộp đen mà đội cứu hộ có thể tìm được nguyên nhân mỗi vụ tai nạn máy bay xảy ra. Tác dụng mà hầu hết mọi người biết về hộp đen máy bay là khả năng ghi lại nguyên nhân gây ra tai nạn. Cùng tìm hiểu thông tin thú vị xoay quanh hộp đen như cấu tạo của hộp đen là gì, bí ẩn gì của hộp đen mà ta chưa biết qua bài viết sau nhé!
Hộp đen máy bay là gì
Hộp đen – thực chất không phải để chỉ thiết kế màu sắc của chiếc hộp. Thiết bị này được sơn màu da cam, màu sắc này được sử dụng để các đội cứu hộ có thể dễ dàng tìm thấy hơn nếu máy bay gặp nạn. Bạn có biết từ hộp đen tiếng Anh là gì không, đó chính là flight-recorder đấy.
Với nhiệm vụ cao cả của mình, hộp đen luôn được bảo vệ rất cẩn thận để có thể không chịu tác động qua bất cứ sự phá huỷ nào từ vụ nổ máy bay.
Hộp đen sẽ được gắn một thiết bị đèn hiệu báo vị trí dưới nước. Khi máy bay bị rơi xuống biển hay sông hồ, thiết bị báo tín hiệu này sẽ tự động gửi đi sóng siêu âm. Thông thường hộp đen có thể chịu được nhiệt độ cao tới 1.100 độ C trong 30 phút liên tục và ngâm dưới độ sâu lên tới 6.100m trong 30 ngày.
Mỗi thiết bị báo tín hiệu sẽ có khả năng phát đi các sóng siêu âm mỗi giây một lần và liên tục trong khoảng thời gian này. Đây chính là thời điểm mà các đội tìm kiếm tàu ngầm, tàu cứu hộ,… phải hết sức tận dụng hệ thống định vị thủy âm để xác định ra hộp đen, trước khi hoàn toàn mất khả năng tìm kiếm.
Cấu tạo của hộp đen máy bay
Hộp đen trên máy bay là thiết bị lưu trữ mọi thông tin quan trọng về dữ liệu của chuyến bay. Nó được sử dụng để chỉ 2 thiết bị kích thước nhỏ bao gồm: Máy ghi âm buồng lái (CVR) và Máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR), hoạt động liên tục và hoạt động bằng điện từ động cơ của vật chủ. Ngoài ra, chúng cũng được tích hợp sẵn nguồn nuôi phụ để đảm bảo duy trì hoạt động phát tín hiệu khi tách khỏi máy bay.
Với tầm quan trọng như vậy, hộp đen được thiết kế cực kỳ an toàn, có thể chịu lực tác động lên tới 3.400 lần so với khối lượng nên nó có thể chịu được sự phá hủy khủng khiếp từ bất kỳ vụ nổ máy bay nào. Hộp đen thường được đặt ở đuôi máy bay nhằm giảm thiểu tối đa các tác động nếu máy bay xảy ra sự cố.
Hộp đen máy bay có dạng hình hộp và kích thước chỉ khoảng 20cm x 30cm. Nó được sơn màu da cam, màu sắc nổi bật dễ phát hiện nhất và có thể tự phát đi tín hiệu báo vị trí, cho dù ở dưới nước để các đội cứu hộ có thể tìm kiếm được dễ dàng hơn.
Tác dụng của hộp đen
Sau mỗi tai nạn máy bay, hộp đen luôn là thứ được quan tâm nhiều nhất, thậm chí không hề kém so với việc cứu hộ các nạn nhân hay giải quyết hậu quả. Vậy bạn có tò mò muốn biết tác dụng của hộp đen là gì? Nếu tìm được hộp đen, con người có thể phân tích tìm ra nguyên nhân tai nạn, khắc phục những điểm thiếu sót và phòng chống những tai nạn có thể xảy ra sau này.
Khi tìm thấy hộp đen, các nhân viên điều tra sẽ phải phân tích các bản ghi. Quá trình này có thể mất tới hai hoặc ba ngày tuỳ vào độ dài của chuyến bay cũng như độ phức tạp trong bảo mật. Hiện nay, mới chỉ có vài quốc gia trên thế giới sở hữu trình độ công nghệ đủ hiện đại để có thể thực hiện việc này, gồm Mỹ, Canada, Australia, Anh và Pháp.
Ngày nay, với trình độ khoa học tân tiến và mạng truyền thông qua sóng vệ tinh hoàn toàn có thể ghi nhận và lưu trữ dữ liệu của gần như tất cả các chuyến bay trên khắp thế giới. Thực chất công nghệ này đã được phát triển trên hàng ngàn máy bay trên khắp thế giới. Tuy vậy, con số này vẫn không là gì nếu so với mạng lưới máy bay và đường bay trên khắp toàn cầu.
Hầu hết các hãng hàng không đến nay vẫn duy trì sử dụng hộp đen là bởi chi phí nâng cấp quá cao. Theo nghiên cứu vào năm 2002, mỗi hàng hàng không Mỹ có thể sẽ phải đầu tư thêm khoảng 300 triệu USD mỗi năm để duy trì được mạng lưới truyền tải dữ liệu toàn cầu này.
Xem thêm: Vé khứ hồi là gì? Một số điều cần biết khi book vé máy bay điện tử
Trong khi đó, số vụ tai nạn máy bay xảy ra đối với mỗi hãng là không nhiều. Giả sử trường hợp không may mắn nhất có xảy ra đi chăng nữa thì chi phí khắc phục cũng ít hơn rất nhiều so với số tiền bỏ ra để duy trì mạng lưới đắt đỏ trên.
Một số điều thú vị về hộp đen
Cùng tìm hiểu một số điều bạn có thể chưa biết về các hộp đen máy bay dưới đây nhé!
- Chúng không có màu đen:
Các hộp đen máy bay được sơn màu cam sáng, nổi bật và dễ nhận diện so với các vật khác xung quanh.
- Một hộp đen gồm có hai phần:
Một hộp đen gồm có hai thiết bị riêng rẽ: máy ghi âm dữ liệu chuyến bay (FDR) và máy ghi âm tiếng động trong buồng lái (CVR).Việc lắp đặt hộp đen là yêu cầu bắt buộc với những máy bay dân sự và chúng thường được lắp ở đuôi máy bay để hạn chế hết sức có thể khả năng bị phá hủy trong trường hợp xảy ra tai nạn. FDR có tác dụng ghi lại những dữ liệu như tốc độ bay, độ cao, gia tốc và mức nhiên liệu của máy bay.
- Phát minh của một người Úc:
Cha của tiến sĩ người Úc David Warren đã mất mạng trong một tai nạn máy bay ở eo biển Bass năm 1934, khi David chỉ mới 9 tuổi. Vào đầu những năm 1950, tiến sĩ Warren đã nảy ra ý tưởng lắp đặt một thiết bị ghi lại dữ liệu trên các chuyến bay cùng những cuộc hội thoại trong buồng lái để giúp các nhà phân tích có cơ sở tìm ra nguyên nhân một vụ tai nạn một cách dễ dàng.
Ông đã gửi đề nghị bằng văn bản tới Trung tâm nghiên cứu hàng không tại Melbourne về việc lắp đặt thiết bị như vậy ở tất cả các máy bay dân sự. Thế nhưng, phát minh của Warren không nhận được nhiều sự chú ý cho tới 5 năm sau đó, khi mà thiết bị này bắt đầu được tiến hành sản xuất ở Mỹ và Anh. Úc mới chính là quốc gia đầu tiên bắt buộc các máy bay phải lắp đặt hộp đen.
- Các chuyên gia không gọi chúng là “hộp đen”:
Truyền thông thường sử dụng cụm từ “hộp đen”, nhưng những người có chuyên môn trong nghề không gọi thế. Có một số giả thuyết khác nhau tranh luận về việc tại sao một thiết bị màu cam lại bị gọi là hộp đen. Trong số đó, có giả thuyết đưa ra một nhà báo đã gọi thiết bị này lần đầu tiên là hộp đen sau khi chứng kiến nó được đưa ra từ một vụ tai nạn máy bay, đã bị cháy đen khác hẳn so với màu cam ban đầu.
- Chỉ ghi âm hai giờ hội thoại:
Các thiết bị ghi âm kỹ thuật số có khả năng chứa được 25 giờ dữ liệu máy bay, nhưng trong số đó chỉ có hai giờ ghi âm các âm thanh trong buồng lái. Phần ghi âm này sẽ được tự động ghi chồng lên nhau cứ mỗi hai giờ một lần, tức là những âm thanh thu được từ hộp đen sẽ là hai giờ ghi âm cuối cùng tất cả các âm thanh trong buồng lái.
Không chỉ ghi lại các đoạn hội thoại của tổ lái và giao tiếp với các đài kiểm soát không lưu, CVR còn có khả năng ghi lại các âm thanh nền phục vụ quan trọng cho công tác điều tra.
- Có thể mất rất lâu mới có thể tìm thấy hộp đen:
Các hộp đen đã được gắn với một thiết bị định vị phát sóng âm dưới nước và bắt đầu phát sóng khi cảm ứng của thiết bị này tiếp xúc với nước. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể hoạt động ở độ sâu khoảng 3,7 km trở lại và phát đi tiếng “ping” mỗi giây một lần trong suốt 30 ngày trước khi hết năng lượng.
Sau vụ tai nạn của chuyến bay 447 của Hãng Air France rơi xuống Đại Tây Dương vào năm 2009, các điều tra viên phải mất hai năm mới có thể tìm thấy và trục vớt được hộp đen. Nó đã cung cấp rất nhiều những thông tin vô giá để tìm hiểu nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
- Gần như không thể phá hỏng:
FDR thường được bọc bởi hai lớp titanium hoặc thép không gỉ, đồng thời có thể hoạt động trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Các hộp đen từng được thử nghiệm khi bị một vật nặng 227kg rơi xuống từ khoảng cách 3m, nhấn chìm trong nước muối bão hòa, bị bắn ra từ một động cơ máy bay phản lực và thử thách với lửa ở nhiệt độ 1.100 độ C trong một tiếng đồng hồ nhưng vẫn hoạt động khá ổn.
- Tuy nhiên lại sở hữu tính năng không bằng điện thoại di động:
Sau vụ mất tích bí ẩn của máy bay MH370, các chuyên gia cho rằng có lẽ đã tới lúc cập nhật những phương pháp thu thập dữ liệu trên máy bay. Các hành khách đều có thể dùng điện thoại để liên lạc, lướt mạng và xem vị trí của mình thông qua định vị vệ tinh, nhưng các máy ghi dữ liệu trên máy bay lại không thể liên lạc được với thế giới bên ngoài.
Thế nhưng, việc thiết lập băng thông cần thiết nhằm tạo ra sự liên kết giữa lượng dữ liệu rất lớn trong hộp đen với thế giới bên ngoài là điều không khả thi ở thời điểm hiện tại.
Chuyên gia về hàng không Stephen Trimble, Hãng Boeing đã vừa nộp đơn đăng ký bằng sáng chế một hệ thống cho phép truyền một số loại dữ liệu hạn chế của máy bay, gồm cả vị trí của máy bay với thế giới bên ngoài. Tuy chi phí đầu tư là không hề nhỏ nhưng so với lợi ích mà nó mang lại thì không phải vấn đề quá lớn.
Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn hiểu hơn khái niệm hộp đen máy bay là gì và những công dụng mà nó mang lại. Như các bạn có thể thấy, thực chất công dụng của hộp đen chỉ được phát huy khi máy bay gặp tai nạn. Tuy nhiên nếu hành trình được hoàn thành trọn vẹn, bình an và an toàn thì con người cũng không cần sử dụng đến hộp đen.