Trong vài năm gần đây, gạo lứt nổi lên như là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, chắc hẳn nhiều người vẫn còn mơ hồ về loại thực phẩm này cũng như hiểu sai về tác dụng của nó. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu gạo lứt là gì và những công dụng của gạo lứt mà bạn nên biết nhé!
Gạo lứt là gì?
Gạo lứt tên tiếng Anh là Brown rice, hay còn gọi là gạo rằn, gạo lật. Đây là loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo. Loại gạo này rất giàu dinh dưỡng đặc biệt là các nguyên tố vi lượng.
Về tên gọi, do sự khác biệt về phương ngữ mà người dân miền Bắc gọi loại gạo nguyên cám dinh dưỡng cao này là gạo lứt còn người dân miền Nam gọi là gạo lức. Vì thế, gạo lứt hay gạo lức đều là tên gọi đúng.
Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt bao gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ cùng các vitamin như B1, B2, B3, B6,…và các nguyên tố vi lượng như magie, canxi, sắt, selen,…
Có các loại gạo lứt nào
Sau khi đã có đáp án cho câu hỏi gạo lứt là gạo như thế nào. Chúng ta sẽ tìm hiểu gạo lứt có những loại nào? Trên thị trường hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhiều loại gạo lứt khác nhau để kết hợp vào bữa ăn của mình như gạo lứt huyết rồng, gạo lứt đen, gạo lứt nếp, gạo lứt tẻ,…Các loại gạo này sẽ giúp cho thực đơn mỗi ngày của bạn trở nên phong phú và bắt mắt hơn.
– Phân loại gạo lứt theo chất gạo
+ Gạo lứt tẻ
Gạo lứt tẻ có hình dáng khá giống với các loại gạo trắng nấu cơm hàng ngày. Tuy nhiên, điểm khác biệt là gạo lứt vẫn còn lớp cám bên ngoài, nói dễ hiểu hơn là gạo được xay bỏ lớp vỏ trấu. Loại gạo này thường được dùng để nấu cơm. Khi nấu, bạn nên ngâm gạo trước để rút ngắn thời gian cũng như để gạo mềm, dễ tiêu hóa hơn.
+ Gạo lứt nếp
Loại gạo này xuất phát từ các giống gạo nếp khác nhau như nếp than, nếp ngỗng, nếp Thái Bình, nếp hương và đặc biệt là nếp cái hoa vàng. Gạo lứt nếp thường khá dẻo và chủ yếu được dùng để nấu xôi, nấu chè, làm bánh hay nấu rượu nếp cái.
– Phân loại gạo lứt theo màu sắc
+ Gạo lứt trắng
Đây là loại gạo được sản xuất nhiều nhất, phù hợp sử dụng cho nhiều lứa tuổi. Bạn có thể tìm mua loại gạo này tại các cửa hàng bán gạo hay trên các trang bán hàng trực tuyến với nhiều mức giá khác nhau từ 30.000 đồng/kg, 50.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg.
+ Gạo lứt đỏ
Thường có màu đỏ nâu, khá dẻo khi nấu chín. Đây là loại gạo được trồng theo phương pháp sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu. Gạo trải qua quá trình xay xát xong sẽ được đóng gói vào túi và ép chân không. Thành phần loại gạo lứt này chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như chất xơ, lipid, vitamin A, vitamin B1,…cực kỳ tốt cho những người đang ăn chay, ăn kiêng, đồng thời hỗ trợ nhu cầu giảm cân, làm đẹp mà vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Công dụng của gạo lứt đỏ từ lâu đã được nhiều người biết đến là giúp phòng ngừa loãng xương, thoái hóa khớp, giảm máu đông và tốt cho tim mạch, điều hòa đường huyết.
Khi chọn mua gạo lứt đỏ, bạn cần phân biệt nó với gạo lứt huyết rồng bởi hai loại gạo này có tác dụng khác nhau. Theo nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh, gạo lứt huyết rồng có chỉ số đường huyết thuộc nhóm cao, lên đến 75,1, hoàn toàn không phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường hoặc người ăn kiêng. Còn chỉ số này của gạo lứt đỏ thông thường chỉ ở mức thấp hoặc trung bình nên khá phù hợp với người bệnh đái tháo đường và ăn kiêng.
Bạn có thể dễ dàng phân biệt hai loại gạo này bằng cách tách đôi một hạt gạo để kiểm tra. Nếu hạt gạo khi bẻ đôi có màu ửng đỏ thì là gạo lứt huyết rồng. Còn nếu bẻ đôi hạt gạo mà thấy lõi trắng bên trong thì đó là gạo lứt đỏ.
+ Gạo lứt đen
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, gạo lứt đen được ví là siêu ngũ cốc trên thế giới vì những tính năng chữa bệnh mà nó mang lại cho con người. Thành phần của loại gạo này có lượng đường thấp nhưng lại chứa nhiều chất xơ và hợp chất thực vật, tốt cho sức khỏe, đồng thời hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư.
Gạo lứt đen thường được bán tại các trang bán hàng trực tuyến với mức giá khá cao, khoảng từ 50.000 – 100.000 đồng/kg.
Công dụng tuyệt vời của gạo lứt là gì?
Ăn gạo lứt có tốt không là câu hỏi được khá nhiều người quan tâm. Thực tế, cả Đông và Tây y đều đã nghiên cứu và cho thấy trong gạo lứt chứa rất nhiều chất có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, loại thực phẩm này được đánh giá khá cao bởi những giá trị, lợi ích của nó mang lại trong việc hỗ trợ chữa trị một số loại bệnh:
- Giảm nguy cơ bị sỏi mật
- Tốt cho hệ thống thần kinh
- Ngăn ngừa táo bón, nhuận tràng, lợi tiểu
- Kiểm soát lượng đường trong máu cho bệnh nhân bị tiểu đường
- Ngăn ngừa nguy cơ ung thư ruột kết
- Giảm cholesterol và mỡ nhiễm trong máu
- Ngăn ngừa bệnh tim, giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ hình thành các mảng bám trong động mạch
- Giảm cân và duy trì trọng lượng cơ thể
- Tốt cho xương
- Giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn
Cách bảo quản gạo lứt
- Gạo lứt rất dễ bị mốc nên người dùng chỉ nên mua gói nhỏ, vừa đủ dùng chứ không nên mua bao lớn.
- Sau khi mở ra, người dùng cần bảo quản gạo lứt bên trong lọ thủy tinh hoặc thùng nhựa sạch, đậy nắp thật chặt và để nơi khô ráo, thoáng mát
- Khi mua, bạn nên chọn loại gạo lứt đã được xay xát và đóng gói đúng quy trình.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ gạo lứt
Dựa vào công dụng chữa bệnh tuyệt vời của gạo lứt mà người ta chế biến thành nhiều món ăn và bài thuốc có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Cụ thể:
Gạo lứt lợi thủy, tiêu thũng, bổ khí huyết và kiện tỳ ích vị: chuẩn bị 150g gạo lứt, 50g đậu Hà Lan và một chút nước dùng gà. Trộn gạo với đậu Hà Lan đã hấp cách thủy rồi lấy nước dùng gà nấu thành cơm ăn mỗi ngày. Bạn nên ngâm gạo khoảng 2 tiếng trước khi nấu để gạo chín mềm hơn.
Gạo lứt thải độc gan: gạo lứt đem rang đến khi vàng (không để gạo cháy) sau đó đổ nước vào nấu khoảng 15 phút. Sau khi bắc bếp xuống thì gạn lấy phần nước bảo quản dùng dần. Mỗi tháng nên duy trì uống nước gạo lứt rang 10 ngày để cảm nhận được kết quả.
Về phần xác gạo, bạn có thể tận dụng làm bài thuốc trị đầy bụng, khó tiêu bằng cách ăn như ăn cháo, sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
Nếu như không có thời gian để đun, bạn cũng có thể lấy gạo đã rang cho vào bình, đổ trực tiếp nước sôi vào để qua đêm là có thể dùng được.
Công dụng của gạo lứt rang, nước gạo lứt không chỉ là hỗ trợ giảm cân, tăng cường trao đổi chất, kiểm soát lượng đường trong máu mà còn ngăn ngừa sỏi thận, ung thư, chống oxy hóa,…
Chữa thoái hóa khớp từ gạo lứt: mọi người có thể chế biến linh hoạt theo nhiều cách khác nhau như dùng bột gạo lứt rang, uống trà gạo lứt hoặc ăn cốm gạo lứt..
Bài thuốc nhuận tràng từ gạo lứt kết hợp với vừng đen và lạc nhân: bạn cần chuẩn bị nửa cân gạo lứt, 200g lạc nhân và 50g vừng đen đem xay thành bột rồi trộn đều với nhau. Mỗi lần sử dụng lấy một lượng bột vừa đủ hòa với nước sôi để uống mỗi ngày (thêm đường nếu khó ăn).
Ngoài ra, nếu có nhu cầu giảm cân thì bạn nên ăn cơm gạo lứt với muối mè mỗi ngày vào các bữa ăn chính thay cho việc ăn cơm bình thường vì trong gạo lứt không chứa nhiều tinh bột sẽ không gây ảnh hưởng đến cân nặng của bạn.
Một số cách chế biến và sử dụng gạo lứt phổ biến
Bạn có thể tham khảo những cách chế biến gạo lứt mà chúng tôi giới thiệu dưới đây:
- Nấu thành cơm và ăn kèm với thức ăn hoặc muối vừng. Lưu ý trước khi nấu nên ngâm gạo trước 2 tiếng để cơm được mềm dẻo hơn.
- Sấy gạo lứt ăn liền
- Chế biến thành cháo gạo lứt, dùng ăn kèm với rau củ và các loại thịt, vừa ngon vừa bổ dưỡng
- Làm gạo lứt rang để uống, hay nghiền thành bột hoặc làm thành cốm gạo lứt rang. Chú ý cách rang gạo lứt đúng là phải đảo đều tay, liên tục trên chảo với lửa nhỏ để gạo không bị cháy. Đến khi gạo chuyển sang màu sẫm hơn, có mùi thơm và vài hạt nở thì tắt bếp.
- Là nguyên liệu để chế biến các loại bún, bánh bao, bánh bèo gạo lứt,…
Những lưu ý khi sử dụng gạo lứt là gì?
Để ăn gạo lứt đúng cách, chúng tôi sẽ đưa ra một số lưu ý sau đây:
- Hạt gạo lứt ăn rất cứng nên bạn phải nấu lâu mới đủ chín. Khi ăn cần nhai kỹ trước khi nuốt, nếu không sẽ gây nên chứng khó tiêu.
- Gạo lứt sẽ mang lại lợi ích cho cơ thể với điều kiện là gạo sạch, không chứa tồn dư chất hóa học, chất bảo quản.
- Chỉ nên sử dụng gạo lứt từ 2 – 3 lần/ tuần, bởi dùng thường xuyên không những không mang lại lợi ích mà thậm chí còn gây phản tác dụng.
- Trẻ em, người cao tuổi, người có thể trạng yếu, gầy gò, phụ nữ đang mang thai, cần bồi bổ sức khỏe không nên ăn gạo lứt thường xuyên, gây suy giảm sức khỏe, thiếu chất, vitamin.
- Gạo lứt chỉ là thực phẩm hỗ trợ chữa, phòng chống bệnh chứ hoàn toàn không có tác dụng chính là chữa bệnh.
Trên đây chúng tôi đã đi trả lời cho câu hỏi gạo lứt là gạo gì cũng như đưa ra một số thông tin xung quanh loại thực phẩm đầy dinh dưỡng này. Hy vọng độc giả đã có cái nhìn cụ thể hơn và biết cách sử dụng nó một cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mình.