Có thể nói sán lá gan là một trong những bệnh khá phổ biến tại nhiều địa phương hiện nay. Vậy sán lá gan kí sinh ở đâu? Đặc điểm và cấu tạo của sán lá gan, cũng như phương pháp phòng ngừa như thế nào sẽ được chúng tôi giới thiệu chi tiết ngay bài viết sau đây!
Sán lá gan là gì?
Sán lá gan là một loại ký sinh trùng đặc biệt phổ biến ở người, thuộc họ sán lá. Thường thì những tỉnh ở miền Bắc nước ta hay bị nhiễm sán lá gan lớn, còn ở miền Nam thường hay bị nhiễm sán lá gan nhỏ.
Bệnh nhân khi nhiễm bệnh thường hay bị đau tức vùng gan, rối loạn tiêu hóa, ăn uống khó tiêu, vàng da, xơ gan,… Bệnh thường dễ nhầm lẫn với viêm gan siêu vi, áp xe gan bởi những ký sinh trùng khác (amip, giun đũa chó mèo,…) hoặc do vi khuẩn, ung thư gan, cơn đau dạ dày,…
Đặc điểm của sán lá gan
Sán lá là loài ký sinh trùng thân dẹp, có hình giống hình chiếc lá, thân không phân thành từng đoạn, kích thước từ vài mm đến vài cm. Cấu tạo của sán lá gan gồm có đĩa hút bụng và đĩa hút miệng.
Đĩa hút bụng giúp chúng bám vào cơ quan ký chủ dễ dàng, bên trong có đĩa hút miệng để thuận tiện cho việc tiêu hóa.
Ngoài ra, sán còn có hầu, thực quản và manh tràng. Cơ quan sinh dục bao gồm cơ quan sinh dục đực và cơ quan sinh dục cái. Cơ quan sinh dục đực gồm 2 tinh hoàn được phân nhánh hoặc chia thành nhiều thùy, từ đó xuất phát 2 ống dẫn tinh.
Cơ quan sinh sản của sán lá gan cái gồm buồng trứng nhỏ được chia thành nhiều thùy hoặc phân nhánh. Ống dẫn trứng được thông với noãn phòng, đổ ra lỗ sinh dục cái nằm cạnh lỗ sinh dục đực. Tuyến sinh noãn hoàng nằm ở 2 bên thân sán, noãn phòng chính là nơi trứng hình thành. Tử cung khúc khuỷu là nơi nhằm để chứa trứng.
Xem thêm: Trùng kiết lị kí sinh ở đâu? Đặc điểm, cấu tạo của trùng kiết lị
Sán lá gan kí sinh ở đâu?
Sán lá gan sống trong môi trường nào? Bệnh sán lá gan ở người không lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Những người mắc sán lá gan nhỏ thường nguyên nhân là do ăn món gỏi cá hoặc các món ăn khác từ cá có chứa nang ấu trùng chưa được nấu chín hoàn toàn. Còn người mắc sán lá gan lớn là do ăn các loại rau mọc dưới nước như cải xoong, cần tây, rau muống, rau ngổ, ngó sen,… có chứa các nang trùng hoặc do uống nước lã có chứa ấu trùng sán.
Khi ấu trùng sán lá gan vào dạ dày sẽ xuống tá tràng, sau đó ngược theo đường mật lên gan. Chúng xâm nhập vào mô gan, sán non phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong ống dẫn mật. Sau khoảng 1 tháng xâm nhập chúng sẽ trưởng thành và đẻ trứng.
Với sán lá gan lớn, chúng sẽ sống trong ống mật của các động vật ăn cỏ (trâu, bò) và đẻ trứng. Trứng theo mật và theo phân ra ngoài, phôi bào phát triển thành ấu trùng lông sau 9-15 ngày.
Ra ngoài sán gặp môi trường nước, ấu trùng lông tơ rời khỏi trứng, bơi trong nước chui vào ốc Lymnaea sống ở dưới nước. Trong cơ thể ốc chúng sẽ lần lượt phát triển qua các giai đoạn bào tử nang dẫn tới ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc, bám vào cây thủy sinh, rụng đuôi và biến thành hậu ấu trùng.
Những loài động vật ăn cỏ hay người ăn phải những loại rau này, vào ruột non hậu ấu trùng sẽ mất vỏ, biến thành sán non. Sán non chui qua vách ruột, xuyên phúc mạc, xuyên qua gan sống trong ống mật. Sán sẽ sống khoảng 1 năm ở đây. Có trường hợp những con sán non lọt vào mạch máu, đi nhầm đến phổi, mắt, mô dưới da. Hình ảnh sán lá gan trên siêu âm được nhìn rất rõ giúp phát hiện ra chúng trong cơ thể người.
Khi ký sinh ở người nếu như sán lá gan không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng đến gan và mật.
Xem thêm: Cấu tạo, hình thức dinh dưỡng của trùng biến hình là gì?
Triệu chứng sán lá gan
Triệu chứng của sán lá gan nhỏ nhiều khi bệnh nhân không có các triệu chứng rõ rệt, chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi đi xét nghiệm phân. Bệnh nhân khi nhiễm sán lá gan nhỏ (trên 100 con) triệu chứng có thể rõ rệt hơn như:
- Giai đoạn khởi phát: người bệnh bị rối loạn tiêu hóa, ói mửa, tiêu chảy kèm theo các biểu hiện khác như chán ăn, táo bón. kẽ táo bón, chán ăn. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể nổi mẩn kèm bạch cầu ái toan tăng cao.
- Giai đoạn toàn phát: Xuất hiện tình trạng sụt cân, đau bụng. Nếu bệnh nặng, gan sẽ to, cứng, đau, ống dẫn mật bị sưng, vách dày lên làm tắc mật, ứ mật, vàng da. Nếu không được chẩn đoán, điều trị, người bệnh sẽ xuất hiện trạng thái thiếu máu, gan bị xơ hóa, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa khiến bệnh nhân suy kiệt dần rồi chết. Nếu sán lá gan lạc chỗ đến ống tụy sẽ gây ra tình trạng viêm ống tụy.
Còn đối với triệu chứng của sán lá gan lớn thì ở giai đoạn khởi phát thường kéo dài từ 2-3 tháng ứng với giai đoạn khi sán non bắt đầu di chuyển trong nhu mô gan và hướng về ống mật.
- Giai đoạn khởi phát: Các triệu chứng bị bệnh có thể xuất hiện như nhức đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, tiêu chảy, đau vùng hạ sườn phải. Bác sĩ khám sẽ thấy gan to, sờ đau, bạch cầu ái toan trong máu tăng tới 70% – 80%.
- Giai đoạn toàn phát: viêm ống mật mạn tính, gan to đau, sốt kèm ớn lạnh, gây rối loạn chức năng tiết mật, tiêu chảy kèm táo bón, vàng da, dị ứng, tổng trạng suy sụp. Bệnh trong nhiều năm nhưng ít khi tiến đến xơ gan.
Hướng dẫn phòng ngừa bệnh sán lá gan ở người
Để phòng ngừa bệnh, chúng ta cần phải thực hiện ăn chín uống sôi. Tuyệt đối không ăn gỏi cá cũng như các món từ cá chưa được nấu chín hoàn toàn. Những loại rau như: rau ngổ, rau cần, xà lách xoong, rau muống,… phải nấu chín trước khi ăn.
Cũng nên hạn chế ăn những loại rau dưới nước này, bởi ngay cả khi rửa kỹ thì cũng không thể loại bỏ được hết nang sán bám trên rau. Rửa thay thường xuyên và đảm bảo môi trường sống sạch. Quản lý tốt phân người và động vật, tránh để phân rơi vào nguồn nước. Tuyệt đối không dùng tươi để nuôi cá, bón rau.
Hy vọng qua bài viết này bạn có thể trả lời được cho câu hỏi sán lá gan kí sinh ở đâu, cũng như những thông tin cơ bản về bệnh sán lá gan ở người và cách phòng tránh loài ký sinh nguy hiểm này.