Đối với các tăng nhân, phật tử, cúng dường là một trong những nghi thức quan trọng cần biết đến trong quá trình tu tập. Đây là cơ hội để tỏ lòng thành kính đối với Đức Phật, chư Phật, chư Bồ Tát, là dịp để tạo thêm nhiều công đức và thanh lọc tâm hồn. Vậy cách cúng dường là gì?
Cúng dường là gì?
Cúng dường là từ Hán Việt, cách cúng này hay còn có tên gọi khác là cung dưỡng hay cúng dưỡng. Theo nghĩa đen, cúng dường được hiểu như biếu, tặng hay cho đi. Tất cả đều cùng chỉ một hành động là mang tài sản của bản thân mình cho một người hay một tập thể khác.
Tuy nhiên, tùy vào chức danh, địa vị và độ tuổi mà chúng ta có nhiều cách gọi tên khác nhau. Chẳng hạn như đối với cha mẹ là biếu, tặng; đối với người nhỏ tuổi hơn sẽ là cho; còn đối với các chư tăng thì là cúng dường.
Trong Phật giáo, cúng dường có tên gọi đầy đủ là cúng dường Tam Bảo. Vậy cúng dường Tam bảo là gì? Đây là một hình thức dâng cúng, công đức những nhu thiết yếu (như thức ăn, hương, hoa, nhang, đèn, kinh sách, giáo thuyết,…) đến Đức Phật, Bồ Tát và chư tăng để bày tỏ tấm lòng biết ơn, tôn kính sự nghiệp hoằng hóa, phổ độ chúng sinh của họ.
Cúng dường là hoạt động các tăng nhân, phật tử thực hiện trong các ngày lễ của đạo Phật hay do các tăng nhân, phật tử tự tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Đức Phật, chư Phật, chư Bồ Tát. Cúng dường là một phương pháp tu tập theo quan niệm của đạo Phật. Mục đích của cúng dường là tích đức, tích phước báu về sức khỏe, phúc thọ, trí tuệ với mong muốn có được hạnh phúc, an yên trong cuộc đời.
Ý nghĩa của hoạt động cúng dường là gì?
Theo quan điểm của Phật giáo, cúng dường là để giảm bớt lòng tham của con người. Việc cúng dường là cho đi, để bày tỏ lòng thành kính với Đức Phật, Bồ Tát. Và lòng tham chính là một trong những trở ngại lớn nhất của con người trong việc giác ngộ đạo Phật.
Về nhân quả, việc cúng dường giúp con người ta vượt qua sự ích kỷ, mở rộng tấm lòng. Từ đó, có thêm nhiều người yêu quý, tích thêm phúc đức cho đời sau. Trong kinh tăng chi bộ, đã nói có ba phần thuộc về người bố thí: ” Một là trước khi bố thí, ý được vui lòng. Hai là trong khi bố thí, tâm được tịnh tín. Ba là sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ”.
Ngoài ra, ý nghĩa thực tế cho thấy việc cúng dường giúp đóng góp công sức vào việc xây dựng cơ sở vật chất, tu sửa chùa chiền và nơi ăn chốn ở của các chư Tăng. Việc cúng dường vừa là tự nguyện, tự thân vừa là trách nhiệm của một phật tử trong sự nghiệp tu tập của mình.
Như vậy, có thể thấy việc cúng dường mang lại ý nghĩa to lớn về vật chất và tinh thần trong đạo Phật. Cúng dường là hình thức tạo công đức mà tất cả phật tử hay một người bình thường có thể thực hiện nhằm tích phước báu.
Việc cúng dường trên thực tế cũng là một hình thức từ thiện, đối với ý nghĩa tinh thần, cúng dường giúp mở rộng thiện tâm, mở rộng lòng thành, thanh lọc cái ích kỷ, cái tham lam trong mỗi con người, giúp cho con người đạt được sự hạnh phúc, an nhiên.
Cách cúng dường Tam Bảo
Cúng dường dành cho Tam Bảo gồm có: cúng dường Phật bảo, cúng dường Pháp bảo, cúng dường Tăng bảo. Đây là hành động để nuôi dưỡng Tam Bảo được trường tồn làm lợi ích cho các chúng sinh. Lễ cúng dường gồm những gì, vật phẩm cúng dường phật như thế nào, tiếp tục theo dõi nội dung sau đây để tìm hiểu chi tiết nhé!
Cúng dường Phật bảo
Phật tuy rằng đã nhập diệt nhưng việc cúng dường chư Phật là việc làm để bày tỏ sự tôn kính đối với Ngài. Cúng dường những món đồ ăn thức uống nhằm mục đích hình dung đức Phật vẫn còn sống, luôn tồn tại và dạy dỗ chúng ta tu tập.
Vật phẩm cúng dường Phật bao gồm những gì? Đồ cúng dường không nhất thiết phải bày biện hoang phí, các phật tử nên sử dụng những vật phẩm thanh tịnh để thể hiện lòng thành với Đức Phật. Những món cúng dường Phật bảo đúng nghĩa có thể kể đến như:
- Hương thơm
- Đèn dầu
- Hoa tươi
- Trái cây
- Nước trong hoặc đồ ăn chay
- Đôi khi thêm cơm trắng là đủ.
Chúng ta cũng có thể cúng dường đức Phật bằng 5 món diệu hương như là:
- Giới hương: Để trở thành người con của Phật chúng ta cần phải giữ gìn 5 giới cấm.
- Định hương: Tập cho tâm hồn mình được định tĩnh thì đó là con Phật
- Huệ hương: Học hỏi giáo pháp của Phật, suy xét nghiền ngẫm và quyết tâm thực hành những giao pháp đó.
- Giải thoát hương: Phá trừ ngã chấp, luôn quán vô ngã, tứ đại là không, nghiệp thức phân biệt cũng là không.
- Giải thoát tri kiến hương: Phá trừ luôn pháp chấp, không thấy đất, nước, gió, lửa là thật, vui buồn, sướng khổ là thật.
Xem thêm: Vô thường là gì? Ý nghĩa vô thường trong phật giáo, cuộc sống
Cúng dường Pháp bảo
Pháp ở đây được hiểu là những lời dạy của Phật, có mục đích phổ độ chúng sinh, giúp con người thoát khỏi bể khổ và trầm luân. Phật Pháp hiện nay vẫn còn được lưu giữ qua Tam Tạng Điển Kinh, việc tìm hiểu, học và nghiên cứu Phật Pháp là việc vô cùng quan trọng đối với các Phật tử, giúp họ có thể hiểu, giác ngộ và giải thoát.
Trước khi cúng dường Pháp bảo, trước hết người cúng phải nghiên cứu và học tập theo giáo pháp của Đức Phật để hiểu rõ hơn về sự cao quý của giáo pháp ấy. Sau đó, nếu có trình độ học thức thì nên diễn giảng giáo pháp cho mọi người xung quanh cùng am hiểu. Hoặc nếu có năng lực cao về tài chính, có thể xuất tiền để in ấn tông kinh điển, phổ biến ra nhiều nơi.
Cúng dường Tăng bảo
Tăng ni là những vị thay thế Đức Phật để truyền giảng giáo pháp cho chúng ta, vì thế chúng ta phải cung cấp và nuôi dưỡng các chư Tăng.
Khi cúng dường, chúng ta nên chọn những món cần thiết cho đời sống tu học của chư Tăng. Tuy nhiên, cũng không nên chiều theo những sở thích riêng tư của vị tăng nào đó mà cúng dường những vật phẩm không đúng chánh pháp, như vậy thì người cúng cũng không có phước báu mà người thọ nhận còn mang tội.
Xem thêm: Tiềm thức là gì? Sức mạnh của tiềm thức, ví dụ tiềm thức
Cách cúng dường tại nhà
Nhà của mỗi người Phật tử thường sẽ có một bàn thờ để thờ Phật, các vị Bồ Tát, bên cạnh đó là ông bà tổ tiên. Chúng ta có thể cúng dường tại nhà thường xuyên bằng cách để ý chăm sóc bàn thờ với hoa quả luôn tươi, nước sạch, lau dọn sạch sẽ khu vực thờ, hương đèn đầy đủ. Đó là cách để thể hiện sự tôn kính đối với Đức Phật.
Vật phẩm cúng dường Phật thường là tùy tâm, nhưng tuyệt đối không được chuẩn bị qua loa đại khái. Đặc biệt, cần phải chọn những gì tốt nhất đẹp nhất và đầy đủ nhất trong khả năng để cúng dường. Cần chọn những loại hoa quả tươi, không bị hư hỏng, không dính những thứ dơ bẩn vì như vậy là bất kính với bề trên, vô tình gieo thêm ác nghiệp cho bản thân.
Chắc hẳn sau khi tham khảo bài viết trên bạn đọc đã biết được cúng dường là gì. Cúng dường như là một phương thức để xả ly tiền tài của cải, để mau thoát khỏi vòng luân chuyển sinh tử. Trong cuộc sống, ai cũng đều phải trải qua nhân – quả, nghiệp – phước, vì vậy, hãy bằng cách cúng dường để giữ gìn và gieo thêm nhiều phước báu, nghiệp lành cho bản thân nhé!