Trong mỗi con người chúng ta ai cũng đều tồn tại một bản ngã không bao giờ biến mất. Mỗi người đều có một bản ngã của riêng mình. Bản ngã này có thể lớn hay nhỏ hoàn toàn không giống nhau.Vậy bản ngã nghĩa là gì? Bản ngã và vô ngã khác nhau như thế nào? Người có bản ngã lớn có tốt hay không? Và làm thế nào để kiềm chế và vượt qua cái bản ngã lớn ấy. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này.
Bản ngã là gì?
Thực chất, bản ngã vốn là một từ Hán Việt. Nghĩa của từ bản ngã ta có thể hiểu như sau:
Bản = Bổn = 本
Ngã = Tôi = 我
Bản ngã = 本我 nghĩa là chính tôi, ý nói về chính mình. Nói cách khác, bản ngã chính là cái tôi cá nhân.
Vậy bản ngã hay cái tôi là gì? Trên thực tế, có khá nhiều quan niệm về bản ngã. Cụ thể là:
- Trong triết học, bản ngã hay “cái tôi” phản ánh cái tôi ý thức hay đơn giản là tôi, bao hàm trong đó là những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác.
- Trong phân tâm học, “cái tôi” (ego) là phần cốt lõi của tính cách, có liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Theo Sigmund Freud, “cái tôi” cùng với “nó” (id) và “cái siêu tôi” (superego) là ba miền của tâm thức. Bản ngã được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nó học cách cư xử sao cho kiểm soát được những ham muốn vô thức không được xã hội chấp nhận. “Cái tôi” có vai trò là trung gian hòa giải những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội.
- Trong triết lý Phật giáo “cái tôi” thường gọi là “ngã”, là “cái tôi” được thiết thuyết với một thể trường tồn, không bị ảnh hưởng của tụ tán, sinh tử. Đạo Phật, đặc biệt là truyền thống nguyên thủy (Nam Tông, Tiểu thừa), không công nhận “sự có mặt” của một “ngã” như tâm lý học. Cái mà người ta hiểu lầm là cái tôi bấy lâu nay thực chất được cấu thành từ Sắc (phần thân thể) và Danh (phần tâm thức) biến đổi không ngừng trong từng sát na (đơn vị nhỏ nhất của thời gian).
Tóm lại, ta có khái niệm: Bản ngã của con người là một ý tưởng, niềm tin, hay quan niệm rằng bản thân là một cá thể riêng lẻ, tách biệt với phần còn lại của thế giới và có khả năng tự chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình.
Cơ chế hoạt động của bản ngã trong con người
Kiểm soát
Bản ngã sẽ tự đồng hóa và định nghĩa bản thân vào tất cả những gì mà nó tin rằng nó đang kiểm soát.
Ví dụ: bạn tin rằng vì cơ thể, tâm trí là của bạn nên bạn có thể điều khiển nó, bạn tin rằng mình đang điều hành công ty, nên công ty là của bạn, là một phần cái tôi của bạn, bạn kiểm soát con của bạn nên đứa trẻ cũng là một phần bản ngã cuộc đời bạn,…
Xây dựng và duy trì
Bản ngã luôn muốn giữ vững và bảo vệ sự kiểm soát, thậm chí còn muốn bành trướng hơn. Bản chất của bản ngã chỉ là tạm thời và hư cấu cho nên nó luôn muốn kiểm soát được càng nhiều càng tốt, để cho bản ngã thấy mình lớn mạnh và chân thực. Đó là lý do chúng ta luôn ham muốn tiền bạc và quyền lực, khi đó chúng ta cảm giác được mình đang kiểm soát mọi thứ. Sự mất kiểm soát tương đương với sự chết chóc đối với bản ngã.
Ví dụ: Bạn mất chiếc xe hay việc làm, bạn cảm thấy như chết đi và trống rỗng một chút. Bạn mất đi người thân thiết, cảm giác này sẽ tăng lên. Một vị tướng đã đồng hóa bản thân với đội quân của mình, khi mất toàn bộ binh lính, coi như ông ta cũng đã chết 99%, lập tức tự sát. Bản ngã có thể làm tất cả để xây dựng và duy trì sự kiểm soát.
Phản chiếu
Bản ngã không thể tự đánh giá và nhìn nhận chính bản thân nó. Điều này cũng giống như việc bạn không thể tự nhìn thấy gương mặt của mình mà không có gương. Vì thế bản ngã tin và tạo ra vô số bản ngã, cá thể riêng lẻ khác. Từ đó tự đánh giá mình qua sự phản chiếu của người khác. Hoặc có thể nói là cách bạn tự nhìn bản thân qua con mắt của người khác.
Ví dụ: Bạn đăng những tấm ảnh cá nhân lên mạng, mong muốn mọi người chú ý đến và khen bạn, cho bạn biết rằng mình đẹp, thời trang, có cuộc sống hạnh phúc, giàu có,…
Càng nhận được nhiều sự chú ý, quan tâm và những phản chiếu từ người khác thì bản ngã càng cảm thấy mình chân thực hơn. Bản ngã sẽ có cảm giác xấu hổ khi hình ảnh phản chiếu của bạn không tốt đẹp bằng người khác. Vì thế mọi người thường làm tất cả để xây dựng cũng như duy trì hình tượng bản thân.
Bản ngã và vô ngã khác nhau như thế nào?
Để so sánh được sự khác nhau giữa bản ngã và vô ngã. Trước hết ta phải hiểu được vô ngã là gì?
Vô ngã hiểu theo nghĩa đen là “không có ta”, hiểu theo nghĩa bóng thì có nhiều nghĩa, theo Đại thừa vô ngã có nghĩa là “vô tự tính”; theo Nguyên thủy vô ngã có nghĩa là “không phải là ta, không phải là của ta”.
Có thể nói, nếu như bản ngã là cái tôi của con người thì vô ngã được hiểu đơn giản là mọi thứ trừ cái tôi đó, cái tôi lúc này bị gạt bỏ, không còn nữa. Vô ngã không liên quan gì đến bản ngã. Vậy nên có thể nói bản ngã và vô ngã là hai phạm trù đối lập nhau.
Cách kiềm chế và vượt qua cái tôi cá nhân quá cao
Theo đúng nghĩa của nó, cái tôi không có gì là xấu, miễn sao mỗi người tự biết điều chỉnh nó cho phù hợp với những thứ có liên quan đến cuộc sống của mình thì cái tôi không những tốt mà còn rất tốt. Đây là nguyên nhân và cũng là lý do cho sự tồn tại của mỗi con người. Nếu không có nó, không những bạn mà ngay cả những người xung quanh đều sẽ rơi vào sự hoang mang trong suốt cuộc hành trình đi tìm bản thân mình.
Tuy nhiên, chúng ta thường nghe đến cụm từ “cái tôi cao” với những cái lắc đầu thường gặp: “Cái tôi của nó quá lớn!”. Bởi vì, những người có cái tôi quá lớn sẽ tự nghĩ mình là số 1, cho rằng không ai quan trọng hơn mình, xem thường người khác, dần dần trở nên kiêu căng, tự phụ, không còn biết quan tâm đến giá trị của người khác.
Người có “cái tôi” quá lớn, là người luôn xem mình là nhất, không chịu thua kém bất cứ ai, bất cứ việc gì, xem thường suy nghĩ, lời nói của người khác, không cần biết điều mình làm đúng hay sai, tốt hay xấu, mà cứ tự hào một cách vô ý thức,… Chính “cái tôi” đó sẽ biến họ thành người láo toét, hống hách, coi khinh người khác,…
Xem thêm: An nhiên là gì? An yên là gì? Ý nghĩa của An Nhiên trong cuộc sống
Và có một điều rất quan trọng trong “cái tôi cao”, đó là họ coi trọng giá trị bản thân mình hơn giá trị của người khác. Nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần ăn mặc lịch sự, bước vào những nhà hàng sang trọng hay làm việc trong một công ty có danh tiếng, chuyên nghiệp, là bạn “hơn” một người nào đó đang làm công việc chân tay, là “cu li”, bốc vác ở vỉa hè? Nếu có suy nghĩ vậy, tất cả mọi thứ bạn đang có đều là vô giá trị. Bởi, mỗi con người ở cuộc sống này, đều có một vị trí và giá trị trong cuộc sống. Vị trí nào cũng cần thiết, quan trọng và có giá trị riêng. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nếu như bạn chỉ nhìn thấy giá trị của bản thân mình mà không nhìn thấy được giá trị của những xung quanh, bạn sẽ mãi mãi không thể tiến xa được.
Vậy làm sao để cởi bỏ được cái gánh nặng cái tôi đó ra? Làm thế nào để kiểm soát được trạng thái tâm lý tự ti mặc cảm, hay ngược lại là tâm lý tự cao, tự đại của mình? Làm sao để có thể vượt ra khỏi cái tôi to lớn, tiêu cực, cái bản ngã nghiệp chướng của chính mình để có thể là một người tự do, sống hồn nhiên, yêu đời và hạnh phúc?
Nói về cách kiềm chế và vượt qua cái tôi sau khi hiểu bản ngã nghĩa là gì thì bạn cần xác định trong tư tưởng bạn muốn làm mình khốn khổ hay là tự vươn lên để làm mình mạnh mẽ hơn.
Thứ nhất, tập bớt nói chuyện với trí não
Hãy để tâm trí ta được lặng yên và chỉ nghĩ về mình khi cần giải quyết cái gì có tính thực tiễn của cuộc sống. Thiền là phương pháp tốt nhất (meditation) giúp bạn bình thản hơn, chú ý hơn và bằng lòng hơn.
Thứ hai, đừng tìm cách bảo vệ cái tôi
Khi gặp thất bại, đừng chửi mắng mình. Khi người khác gặp thất bại, đừng công kích họ. Đừng mất thì giờ và sức lực bảo vệ hình ảnh của mình.
Thứ ba, hãy từ bi với chính mình
Khi gặp thất bại, hãy đối xử với chính mình bằng lòng tử tế và kính trọng, cái ngã của bạn chắc chắn sẽ không bị bão tố cuộc đời vùi dập nên bạn không cần phải bảo vệ nó.
Thứ tư, đừng nuôi dưỡng cái ngã
Có mục tiêu của cuộc đời mình là đúng đắn, nhưng đừng cố gắng “biến tướng” cuộc đời bạn theo ý mình để “cái tôi” càng thêm đáng ghét. Cứ mải mê chạy theo mục tiêu, đích nhắm sẽ khiến bạn quên đi cuộc đời duy nhất mà mình đang có, chứ không phải là quá khứ hay tương lai, điều quan trọng là biết nắm bắt hiện tại.
Thứ năm, đừng tin vào bất cứ cái gì bạn suy nghĩ
Cảm nhận của bạn về bản thân và thế giới thường dựa vào ý thức vị kỷ của bản thân. Hãy luôn tự nhủ là bạn không phải lúc nào cũng nghĩ đúng về mình và thế giới bên ngoài.
Chắc hẳn qua những chia sẻ trên đây của chúng tôi, bạn đã hiểu bản ngã là gì và cách để có được bản ngã tốt đẹp hơn trong mỗi chúng ta. Chỉ cần nắm bắt và vượt qua được cái tôi cá nhân thì chắc chắn sẽ không còn kẻ thù nào khiến bạn phải sợ cả. Chúc bạn thành công và gặt hái được nhiều thành tựu với chính bản ngã của mình trong tương lai.