Thuật ngữ đa dạng sinh học chắc hẳn không còn quá xa lạ đối với mỗi chúng ta nhưng không phải ai cũng hiểu hết về khái niệm này. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ đi tìm hiểu định nghĩa đa dạng sinh học là gì, giá trị của nó cũng như nguyên nhân và biện pháp cụ thể để hạn chế tối đa suy giảm đa dạng sinh học.
Đa dạng sinh học là gì?
Con người đã sống hàng nghìn năm trong sự đa dạng sinh học và phụ thuộc vào nó. Tuy nhiên, không phải ở giai đoạn lịch sử nào con người cũng nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học. Có lẽ chính vì thế, khái niệm đa dạng sinh học là một khái niệm mới so với lịch sử tri thức nhân loại. Mãi đến năm 1988, khái niệm đa dạng sinh học lần đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm “Biodiversity” của nhà sinh học E.o Wilson và sau đó được đề cập nhiều lần trong các công trình nghiên cứu khác. Đa dạng sinh học là vấn đề của pháp luật được nhiều quốc gia quy định, nhất là sau khi thông qua Công ước quốc tế về đa dạng sinh học tại Nairobi vào ngày 22 tháng 5 năm 1992 và đã được 150 quốc gia kí vào ngày 5 tháng 6 năm đó. Từ đó, đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề pháp lý quốc tế và quốc gia được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm.
Khái niệm đa dạng sinh học sẽ được hiểu khác nhau nếu tiếp cận từ các góc độ khác nhau. Tiếp cận từ quan điểm kết cấu, đa dạng sinh học bao gồm các thực thể sống quần tụ lại theo nhóm, loài, cộng đồng… Nếu tiếp cận từ góc độ chức năng thì nói đến đa dạng sinh học là nói đến các hệ sinh thái và các quá trình tiến hoá. Dù ở từ góc độ nào thì các định nghĩa về đa dạng sinh học đều thừa nhận mối liên hệ và sự phụ thuộc vào nhau giữa các giống loài trong quá trình tiến hoá và phát triển. Đa dạng sinh học có nhiệm vụ cấu thành nền tảng của cuộc sống trên trái đất. Về đa dạng sinh học, công ước quốc tế về đa dạng sinh học đã đưa ra định nghĩa sau đây:
Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên
Ví dụ về đa dạng sinh học
Thực vật có nhiệm vụ biến đổi năng lượng mặt trời thành thức ăn cho động vật nhưng ngược lại, thực vật cũng nhờ động vật như ong chuyển phấn hoa,…loài này là thức ăn của loài khác
Phân loại đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học bao gồm những thành phần sau đây:
Đa dạng về gen: là toàn bộ các gen chứa trong cá thể thực vật, động vật, nấm, vi sinh vật. Các nhiễn sắc thể (NST), gen và ADN là những dạng vật chất di truyền, tạo ra tính chất đặc trưng của từng cá thể trong mỗi loài, tạo thành sự đa dạng của nguồn gen.
Đa dạng loài: là toàn bộ sự khác nhau trong nhóm và giữa các nhóm loài cũng như giữa các loài trong tự nhiên. Sự đa dạng này thể hiện trong số lượng vô cùng lớn các loài thực vật, động vật và vi sinh vật trên trái đất. Theo ước tính của các nhà khoa học, có khoảng 10 triệu loài khác nhau đang tồn tại. Những số liệu này trên trái đất có khác nhau trong các nghiên cứu song sự đa dạng về giống loài là không thể phụ nhận.
Đa dạng hệ sinh thái: là sự phong phú về trạng thái và loại hình của các hệ sinh thái khác nhau trong tự nhiên. Hệ sinh thái là tập hợp các quần thể sinh vật sống và phát triển trong môi trường nhất định, có quan hệ tương tác qua lại với nhau và với môi trường đó. Trong mỗi hệ sinh thái, những sinh vật bao gồm cả con người tạo thành tổng thể, tương tác với nhau và với không khí, nước, đất bao quanh chúng. Như vậy, sự đa dạng hệ sinh thái không chỉ đơn thuần là sự tổng cộng các hệ sinh thái, các loài và vật chất di truyền khác nhau mà còn những mối quan hệ tương tác, phụ thuộc lẫn nhau và cùng nhau tạo nên sự sống trên trái đất.
Giá trị của đa dạng sinh học là gì?
Đa dạng sinh học có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển bền vững của nhân loại, mang đến những giá trị kinh tế, môi trường và cuộc sống to lớn mà chỉ vài thập kỷ gần đây chúng ta mới ý thức được một cách đầy đủ.
Giá trị kinh tế
Sự đa dạng sinh học là nền tảng phát triển của các cộng đồng trước đây cũng như hiện nay. Sự phụ thuộc của cộng đồng và đa dạng sinh học có thể nhìn thấy rõ nhất ở tất cả cộng đồng trong các thời kỳ phát triển xa xưa cũng như ở các nước nông nghiệp kém phát triển trên thế giới trong thời đại ngày nay. Các loài thực vật trong nhiều thế kỷ đã cung cấp cho con người những che chở khỏi mưa nắng, nhất là đối với cộng đồng sống chưa được khai sáng. Những căn nhà gỗ, túp lều đều có giá trị với con người, bảo vệ họ khỏi những sự bất thường của thời tiết. Những phương tiện đi lại của con người cũng bắt nguồn từ giá trị của đa dạng sinh học.
Giá trị xã hội
Thời xa xưa, các cộng đồng nhờ vào các loài hoang dã và những loài đã được thuần dưỡng để đảm bảo phục vụ cho mình lương thực và thực phẩm, chất đốt và các dược liệu để làm thuốc chữa bệnh. Ngày nay, do sự phát triển của các ngành công nghiệp, chăn nuôi đã giảm bớt sự lệ thuộc của con người vào thế giới hoang dã. Tuy nhiên, con người vẫn không thể tách khỏi đa dạng sinh học trong quá trình phát triển của mình. Vai trò của đa dạng sinh học với tư cách là nhân tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của con người là không thể nào phủ nhận.
Một giá trị to lớn khác của đa dạng sinh học là sức khỏe của con người, sống trong môi trường tự nhiên, con người phải chịu rất nhiều tác động từ nó. Đa dạng sinh học giữ môi trường sống tốt cho sức khỏe của con người. Giá trị thể hiện ở chỗ sức khỏe của con người phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, môi trường. Điều này thể hiện ở khả năng của đa dạng sinh học trong việc làm sạch nước và không khí, phân hóa các độc tố bị phát tán do hoạt động của con người hoặc các tác động thiên nhiên. Nhiều loài thực vật có khả năng hấp thụ các chất độc trong không khí, giữ cho môi trường trong lành. Một số loài rau, cỏ, thủy sinh có khả năng làm sạch các nguồn nước để tạo cho con người và các loài khác môi trường nước trong lành.
Mặt khác, con người tìm thấy trong sự đa dạng sinh học các nguồn dược liệu để chữa bệnh.
Bảo vệ đa dạng sinh học là gì?
Bảo vệ (hay bảo tồn) đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên có tính quan trọng, đặc thù hoặc đại diện, bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của những loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, kết hợp nuôi, trồng, chăm sóc những loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, cất giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.
Ý nghĩa của công tác bảo tồn đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học mang lại giá trị vô cùng to lớn và mang lại nhiều giá trị cho con người. Có thể chia thành hai loại giá trị: trực tiếp và gián tiếp. Giá trị kinh tế trực tiếp của đa dạng sinh học là những giá trị của các sản phẩm sinh vật được con người trực tiếp khai thác và sử dụng phục vụ nhu cầu cuộc sống của mình. Còn giá trị gián tiếp gồm những thứ mà con người không thể bán như: lưu lượng và chất lượng nước, bảo vệ đất, tái tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học, điều hòa khí hậu hoặc cung cấp những phương tiện cho tương lai của xã hội loài người.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học – nguồn tài nguyên quý giá nhất, đóng vai trò rất lớn đối với tự nhiên và đời sống con người đang dần bị suy thoái nghiêm trọng. Hậu quả dẫn đến là sẽ làm giảm/mất các chức năng của hệ sinh thái như điều hoà nước, chống xói mòn, đồng hóa chất thải, làm sạch môi trường, đảm bảo vòng tuần hoàn vật chất và năng lượng trong tự nhiên, giảm thiểu thiên tai hoặc các hậu quả cực đoan về khí hậu. Cuối cùng, hệ thống kinh tế của quốc gia đó sẽ bị suy giảm do mất đi các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
Nguyên nhân gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học, đó là do các tác động bất lợi của tự nhiên và con người, trong đó các ảnh hưởng do con người gây ra trở nên đặc biệt nghiêm trọng từ giữa thế kỷ 19 đến nay và chủ yếu làm thay đổi và suy thoái cảnh quan trên diện rộng. Điều này đẩy các loài và các quần xã sinh vật vào nạn diệt chủng. Con người phá hủy làm suy thoái sinh cảnh, khai thác quá mức các loài sử dụng cho nhu cầu của mình, du nhập các loài ngoại lai và gia tăng dịch bệnh cũng là những nguyên nhân quan trọng làm suy thoái tính đa dạng sinh học.
Bảo tồn đa dạng sinh học là quá trình quản lý mối quan hệ qua lại giữa con người với các gen, các loài và các hệ sinh thái với mục đích mang lại lợi ích lớn nhất cho thế hệ hiện tại và vẫn đảm bảo duy trì tiềm năng của chúng để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng cho các thế hệ tương lai. Để có thể tiến hành các hoạt động quản lý nhằm bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, điều cần thiết là phải tìm hiểu những tác động tiêu cực, những nguy cơ mà loài hiện đang đối mặt. Từ đó, cùng nhau xây dựng các phương pháp quản lý phù hợp nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của các nguy cơ đó và đảm bảo sự phát triển của loài và hệ sinh thái đó trong tương lai.
Phương thức bảo tồn đa dạng sinh học
Hiện nay có hai phương thức bảo tồn chủ yếu là bảo tồn tại chỗ (In-situ) và bảo tồn chuyển vị (Ex-situ).Trong khi phương thức bảo tồn tại chỗ có mục đích nhằm bảo tồn các hệ sinh thái và sinh cảnh tự nhiên để duy trì và khôi phục quần thể các loài trong môi trường tự nhiên của chúng, thì phương thức bảo tồn chuyển vị lại gồm các hoạt động nhằm bảo tồn các loài mục tiêu bên ngoài nơi phân bố hay môi trường tự nhiên của chúng.
Hai phương thức bảo tồn này có tính chất bổ trợ cho nhau. Những cá thể từ các quần thể dược bảo tồn theo phương thức Ex-situ có thể được đưa vào thiên nhiên nơi có phân bố tự nhiên của chúng để tăng cường cho các quần thể đang được bảo tồn theo phương thức In-situ. Việc nghiên cứu các quần thể được bảo tồn Ex-situ có thể cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về các đặc tính sinh học nổi bật của loài và từ đó hỗ trợ cho việc hình thành các chiến lược bảo tồn hiệu quả hơn cho các quần thể được bảo tồn theo phương thức In-situ.
Tuy nhiên, dưới áp lực ngày càng tăng của sự thay đổi nhanh chóng các điều kiện trong môi trường, đặc biệt do sự nóng lên của trái đất, mục tiêu của một chiến lược bảo tồn nguồn gen thực vật hiện nay là không chỉ cất giữ các khác biệt di truyền hiện có mà còn tạo ra các điều kiện phù hợp cho việc tăng sự thích nghi và sự tiến hóa của loài trong tương lai. Vì vậy, những nhà khoa học nghiên cứu về bảo tồn đã đề xuất khái niệm bảo tồn nguồn gen động cho thực vật. Điểm mấu chốt của khái niệm này là khuyến khích tính thích nghi của loài bằng cách đặt các quần thể được bảo tồn trong quá trình chọn lọc tự nhiên và xem xét trong quá trình tiến hóa theo các hướng khác biệt để đa dạng hóa nguồn gen của loài, chuẩn bị cho việc thích nghi rộng hơn của loài đối với các điều kiện môi trường sống khác nhau. Theo cách thức này, nguồn gen của các loài thực vật sẽ được bảo tồn trong một quá trình động thay vì chỉ được duy trì như đúng tình trạng di truyền mà chúng hiện có.
Việc thành lập hệ thống các khu bảo tồn là bước đi rất quan trọng trong việc bảo tồn các loài, quần xã sinh vật và hệ sinh thái. Khu bảo tồn được định nghĩa là một vùng đất và/hoặc biển được xác định để bảo vệ, duy trì đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa được kết hợp và được quản lý thông qua các phương tiện pháp lý cùng với các phương tiện có hiệu quả khác.
Cho đến nay, vẫn chưa có một hướng dẫn chung nào về việc thiết kế một khu bảo tồn trên toàn thế giới. Thay vào đó, hầu hết các khu bảo tồn hiện nay đều được thiết kế tùy thuộc vào sự sẵn có của đất đai, nguồn kinh phí, sự phân bố dân cư ở trong và quanh khu bảo tồn, nhận thức của cộng đồng cũng như các tình huống bảo tồn cần được quan tâm của khu vực đó. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng các khu bảo tồn lớn sẽ có khả năng bảo tồn loài, quần xã sinh vật cũng như các hệ sinh thái đích tốt hơn vì nó có thể duy trì các quá trình sinh thái diễn ra một cách toàn vẹn hơn ở các khu bảo tồn nhỏ.
Về quản lý các khu bảo tồn, quan điểm được cho là phù hợp với việc quản lý hiệu quả một khu bảo tồn hiện nay là việc áp dụng bất kì một phương thức quản lý nào cũng phải dựa vào các đối tượng quản lý ở một địa điểm cụ thể. Chỉ khi đã xác định được rõ ràng các đối tượng quản lý thì các kết quả quản lý khoa học mới được áp dụng.
Trên đây là những thông tin về đa dạng sinh học là gì và một số nguyên nhân cũng như biện pháp để bảo vệ đa dạng sinh học. Hy vọng đã giúp người đọc quan tâm về vấn đề này có thể hiểu hơn về nó. Theo dõi thêm các bài viết khác của chúng tôi để trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức hữu ích khác nhé!