Lá Cẩm để nấu xôi chắc không còn xa lạ gì với các bà nội trợ, tuy nhiên bên cạnh công dụng đó cây Lá Cẩm còn có tác dụng làm đẹp, chữa bệnh,… Hãy cùng thapgiainhietliangchi khám phá thêm về loại cây này nhé.
Cây Lá Cẩm là gì?
Đặc điểm hình dáng cây Lá Cẩm
Cây Lá Cẩm hay Lá Cẩm có tên khoa học là Peristrophe Roxburghiana, là loại thực vật thuộc họ Ô rô. Đây là cây thảo mộc sống lâu năm, thường có chiều cao trung bình từ 50cm đến 100cm. Thân cây nhẵn tròn và có đường kính khoảng 1-2 mm. Trong tự nhiên thành mọc thành bụi.
Lá cây thon dài, màu xanh, nhọn ở đầu, tán đối xứng nhau và có kích thước bề rộng khoảng 1-3 cm, dài từ 2-7 cm.
Hoa cây Lá Cẩm thường có màu tím hoặc đỏ tươi, có chiều dài khoảng 5cm, có 2 thùy ở giữa. Hoa thường mọc ra tại vị trí nách lá.
Cây Lá Cẩm thường phân bố tại đâu?
Loại cây này xuất hiện ở nhiều nước trong khu vực phía Nam Trung Quốc, Đông Nam Á và Đài Loan. Tại nước ta, cây thường sinh trưởng phát triển tốt tại các tỉnh miền núi do có điều kiện khí hậu thích hợp để phát triển hơn so với các khu vực khác.
Do đó cây Lá Cẩm thường được trồng phổ biến ở các tỉnh như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Bắc Kạn. Hiện nay do được ưa chuộng dùng để nấu xôi nên tại các tỉnh miền Trung và miền Nam cây cũng được trồng và sử dụng nhưng không nhiều như miền Bắc vì điều kiện thời tiết không phù hợp để trồng.
Bạn có biết có bao nhiêu loại Lá Cẩm?
Nếu không biết, chắc bạn nghĩ rằng cây Lá Cẩm chỉ có cây Lá Cẩm tím. Nhưng thực tế Lá Cẩm có 4 loại với đặc điểm và màu sắc tiết ra khác nhau:
Cây Lá Cẩm tím: Loại cây còn được gọi với tên khác là Chằm Lai. Lá của nó có màu xanh nhạt, có hình trứng rộng, lá mỏng và ít lông.
Mảng đốm trắng ở dọc gân lá có diện tích lớn và đặc biệt Lá Cẩm tím dịch tiết ra có màu tím rất đẹp mắt.
Cây Lá Cẩm đỏ: Cây này theo tiếng dân tộc Nùng còn được gọi là Chằm Thủ. Lá cây Lá Cẩm đỏ có hình bầu dục, gốc lá thon, màu xanh đậm và có nhiều lông. Mặt trên của lá không có những vệt trắng. Khi vò lá sẽ tiết ra dịch màu đỏ, nên gọi là Lá Cẩm đỏ để phân biệt.
Cây Lá Cẩm tím đậm (hay cẩm Huế): Dân tộc Nùng, gọi loại cây này là Chằm Khâu. Loại này lá hình bầu dục, gốc cây tròn hoặc thon, lá có màu xanh đậm, lá dày và ít lông. Lá cũng có ít đốm trắng ở dọc gân. Khi vò lá sẽ tiết ra màu tím đậm.
Cây Lá Cẩm vàng: Người Nùng còn gọi loại cây này là Chằm Hiên. Cây cẩm vàng vẫn mọc hoang ở nhiều nơi nên nó còn được gọi Lá Cẩm dại. Lá của nó có dạng hình trứng, gốc lá thon, đầu lá nhọn. Hai mặt của lá đều có lông, phiến lá nhăn nheo, đặc biệt là phần mép lá. Khi vò lá sẽ tiết ra dịch có màu vàng xanh.
Cả bốn loại Lá Cẩm trên đều có thể dùng để nấu xôi với những màu sắc khác nhau đẹp mắt, bên cạnh đó màu tím vẫn là màu được nhiều người ưa chuộng sử dụng nhất.
Cách trồng cây Lá Cẩm đơn giản tại nhà
Nấu xôi Lá Cẩm đã trở thành món xôi được nhiều người ưa chuộng sử dụng. Không chỉ bởi vị thơm ngon, màu sắc đẹp mắt mà còn bởi nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe mà Lá Cẩm đem lại. Do đó hiện nay nhiều gia đình thường trồng sẵn một vài bụi Lá Cẩm trong nhà để khi dùng có ngay. Trồng cây Lá Cẩm như thế nào? Cách trồng cây Lá Cẩm cũng vô cùng đơn giản.
Trộn đất với mùn cưa, xơ dừa, xỉ than, phân bón. Chọn những cây giống Lá Cẩm sinh trưởng tốt, không mang mầm bệnh để tiến hành trồng xuống. Cây Lá Cẩm thuộc loại cây ưa ẩm và ưa bóng mát nên trồng dưới chỗ râm mát hoặc dưới các tán cây.
Sau khi trồng, thường xuyên tưới nước hàng ngày cho cây, nên tưới cây vào buổi sáng và buổi chiều mát. Khi cây đã bén rễ thì bón thúc. Cây được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thì lá sẽ nhanh tốt
Sau khi trồng được 30 đến 40 ngày là chúng ta có thể thu hoạch Lá Cẩm để sử dụng. Loại cây này có thể thu hoạch cắt nguyên cây chỉ chừa gốc khoảng 10 – 15 cm để thu hoạch lứa sau.
Thu hoạch nhiều bạn có thể phơi khô để dùng dần, Lá Cẩm khô sẽ không cho ra màu đẹp như Lá Cẩm tươi, nhưng thường được dùng như một vị thuốc.
Cây Lá Cẩm có những công dụng gì?
Trong Lá Cẩm có chứa nhiều chất giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe với hàm lượng cao như: các vitamin, chất xơ dồi dào, hợp chất pelargonidin, pyrano peonidin,…. Nên bên cạnh công dụng tạo màu cho các món ăn thì Lá Cẩm còn nhiều tác dụng khác.
Sử dụng để tạo màu trong chế biến các món ăn
Việc sử dụng Lá Cẩm làm chất tạo màu cho một số món ăn rất được ưa chuộng trên hầu khắp nước ta. Đặc biệt trong số đó không thể không kể đến món xôi Lá Cẩm , xôi ngũ sắc, bánh tét, thạch rau câu, bánh dày, mứt dừa bột Lá Cẩm … màu sắc đẹp hương vị rất hấp dẫn.
Người dùng thường sử dụng Lá Cẩm làm chất tạo màu trong chế biến món ăn bởi nó không những tốt cho sức khỏe, tạo màu đẹp mắt mà đặc biệt an toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Lá Cẩm có tác dụng trong làm đẹp cho chị em phụ nữ
Những người có làn da bị mụn trứng cá, đặc biệt là đối với các chị em phụ nữ. Việc sử dụng Lá Cẩm cho mục đích làm đẹp đã đem đến khá nhiều hiệu quả, giúp cho người dùng có làn da luôn mịn màng và giảm mụn đáng kể nhớ tính mát của cây Lá Cẩm .
Tiến hành rửa sạch Lá Cẩm, cho vào cùng 1,5 lít nước sau đó đun sôi khoảng 10-15 phút giảm nhỏ lửa thì dừng lại. Bỏ xác lá gạn lấy nước, chờ nguội bớt để âm ấm rồi rửa mặt (có thể không cần rửa lại bằng nước sạch).
Nước chưa sử dụng đến bạn có thể đổ ra lọ rồi bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh sử dụng tiếp được trong 3-4 ngày.
Sử dụng đều đặn phương pháp này sẽ thấy da mặt được căng mịn và giảm dần mụn trứng cá hiệu quả.
Tác dụng của cây Lá Cẩm trong hỗ trợ điều trị một số loại bệnh
Theo quan niệm Đông Y, Lá Cẩm có tính bình, vị đắng nên có tác dụng rất tốt trong việc thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng. Đặc biệt, các chứng bệnh liên quan đến viêm phế quản cấp tính, bệnh lao phổi, bong gân, ổ tụ máu, nôn hay ho ra máu, … cũng có thể sử dụng các bài thuốc từ Lá Cẩm để hỗ trợ điều trị.
Người dân nhiều nơi còn dùng lá cây này để điều trị mụn nhọt, thấp khớp, viêm họng, lao hạch hay nhiễm trùng đường tiết niệu, kinh phong ở trẻ em có hiệu quả khá tốt.
Một số bài thuốc từ Lá Cẩm dùng để hỗ trợ chữa bệnh phổ biến
Bạn có thể sử dụng cây Lá Cẩm chữa bệnh bằng cách sắc nước uống, nấu nước tắm hay tán bột uống đều được. Mỗi phương pháp sẽ đem đến hiệu quả với từng loại bệnh riêng và bạn có thể sử dụng những bài thuốc này với liều cao mà hoàn toàn không sợ ngộ độc bởi tính lành của loại lá này.
Chúng ta cũng có thể sử dụng Lá Cẩm tươi hoặc Lá Cẩm khô vẫn cho tác dụng tương tự.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng viêm phế quản cấp
Cách làm bài thuốc này khá đơn giản, lấy cành và lá cây Lá Cẩm (khoảng 40gr), mạch môn 20gr, cát cánh 20gr, tang bạch bì 20gr . Rửa sạch sau đó đem sắc tất cả các nguyên liệu trên với khoảng 700 ml nước để uống. Thời gian uống từ 7-10 ngày sẽ có tác dụng hiệu quả trong việc điều trị viêm phế quản, tiêu đờm.
- Bài thuốc dùng cây Lá Cẩm điều trị bệnh gai cột sống
Bài thuốc từ lá cây Cẩm hỗ trợ điều trị bệnh gai cột sống đã được ông bà ta áp dụng từ lâu đời. Nhiều người sử dụng Lá Cẩm đã giúp đẩy lùi căn bệnh này và ngăn ngừa được tái phát trở lại hiệu quả. Đặc biệt, khi sử dụng cây Lá Cẩm bạn cũng không cần lo lắng về tác dụng phụ bởi lá cây này rất lành tính.
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm 1 nắm Lá Cẩm + 3 quả trứng gà ta.
Lá Cẩm hái về đem rửa sạch và chia đều thành 3 phần bằng nhau, để riêng để dùng cho 3 lần. Trứng gà ta tiến hành luộc lòng đào, thời gian luộc chỉ khoảng 4-5 phút là được.
Người bệnh sẽ ăn 1 phần Lá Cẩm cùng 1 quả trứng gà luộc lòng đào vào thời điểm 1 tiếng trước mỗi bữa ăn ngày 3 lần.
Thời gian sử dụng bài thuốc khá dài khoảng 1 tháng nên người bệnh cần thật kiên trì sẽ giúp cho triệu chứng đau gai cột sống được giảm dần.
Người bệnh cũng nên kết hợp cùng với chế độ ăn uống ngủ nghỉ khoa học, các bài tập thể dục, vận động nhẹ để góp phần giúp hỗ trợ điều trị bệnh nhanh hơn. Đặc biệt, một chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, các chất xơ, vitamin … cần thiết cho cơ thể.
Cách nấu xôi Lá Cẩm thơm ngon tại nhà
Nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu xôi Lá Cẩm gồm có: Gạo nếp 1kg, Lá Cẩm 1 bó, nước sạch 400ml, muối 1 muỗng cà phê, nước cốt dừa 120ml, đường 100g, lá dứa 1 bó
Dụng cụ để nấu gồm có: Bếp, xửng hấp, thau, đũa,…
Các bước để chế biến Xôi Lá Cẩm .
Bước 1: Sơ chế Lá Cẩm để lấy nước màu
Lá Cẩm rửa sạch, sau đó nhặt những lá còn tươi mang đi nấu. Bắc nồi lên bếp, cho vào nồi khoảng 400ml nước,đun lửa lớn, đợi cho nước trong nồi sôi lên thì cho Lá Cẩm vào.
Hạ lửa nhỏ và đun trong khoảng 10-15 phút đến khi nước trong nồi chuyển sang màu đỏ tím đậm thì cho thêm 200ml nước lọc vào nồi. Tiếp tục nấu trong khoảng 10-15 phút với lửa vừa đến khi nước trong nồi sôi thì tắt bếp. Bỏ xác lá, dùng rây lọc lại để chắt lấy phần nước Lá Cẩm.
Bước 2: Ngâm gạo nếp
Gạo nếp vo sạch rồi để ráo. Đổ 600ml nước Lá Cẩm thu được ra thau, rồi cho gạo đã ráo vào thau nước Lá Cẩm, trộn đều lên và ngâm trong khoảng 2 tiếng để nước Lá Cẩm thấm vào từng hạt gạo.
Sau đó bạn chắt bỏ phần nước cho và để ráo, rồi cho khoảng 1 muỗng cà phê muối vào gạo nếp, trộn đều rồi mang đi hấp.
Mẹo nhỏ: Bạn có thể cho thêm 100 – 200ml nước lọc vào thau ngâm nếp để làm loãng màu Lá Cẩm thì khi nấu xôi màu tím sẽ nhạt hơn. Hoặc nếu bạn muốn xôi màu tím sẫm thì không cần pha thêm nước lọc, thêm lượng Lá Cẩm để lấy màu đậm hơn.
Bước 3: Đồ xôi nếp Lá Cẩm
Bắc nồi nước lên bếp với khoảng 3 lít nước, thả 1 bó lá dứa đã rửa sạch vào để khi nấu xôi sẽ thơm hơn. Rồi cho xửng hấp lên làm nóng trước khi đổi gạo vào.
Khi nước trong nồi sôi thì đổ từ từ gạo nếp vào xửng, đập nắp lại đợi khoảng 30 phút sau đó mở nắp cho chén nước cốt dừa (gồm 120ml nước cốt dừa và 100gr đường) vào dùng đũa xới đều hạt để tăng độ béo ngậy cho xôi. Đậy nắp lại và nấu thêm khoảng 10 phút là có thể lấy ra thưởng thức nhé.
Mẹo nhỏ nữa là bạn có thể cho thêm 1 muỗng nhỏ dầu ăn vào lúc đổ gạo lên xửng hấp, hạt gạo sẽ trở nên bóng bẩy đẹp mắt hơn.
Bước 4: Bày xôi ra đĩa để thưởng thức
Xôi tỏa ra mùi thơm Lá Cẩm, lá dứa đặc trưng. Hạt xôi bóng tròn, mịn. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo của nếp kết hợp cùng vị béo béo của nước cốt dừa. Bạn có thể rắc thêm tí muối mè, lạc rang đập dập để cân bằng lại độ ngọt giúp cho xôi thêm bùi bùi mà không bị ngán nhé.
Bài viết trên là thông tin về cây Lá Cẩm, một loại cây gần gũi, không chỉ làm nên những món ngon mà còn có rất nhiều tác dụng làm đẹp hay chữa bệnh. Tuy nhiên khi sử dụng loại lá này bạn nên lưu ý đảm bảo nguồn gốc của nguyên liệu không chứa thuốc trừ sâu hay thành phần hóa học độc hại. Khi sử dụng để chữa bệnh cũng nên xác minh tính chính xác của bài thuốc để tránh những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.