Câu cầu khiến là gì? Khái niệm và tác dụng câu cầu khiến được thapgiainhietliangchi sưu tầm và tổng hợp trong bài viết sau đây, sẽ giúp các em học sinh hiểu khái niệm cũng như tác dụng của nó. Dưới đây là thông tin chi tiết mời các em tham khảo.
Khái niệm câu cầu khiến là gì?
Câu cầu khiến là gì? Câu cầu khiến trong tiếng Việt còn được biết đến với tên gọi là câu mệnh lệnh, là loại câu có chứa những từ câu khiến như hãy, đừng, chớ,… đứng phía trước động từ và những từ đi, thôi, nào,… đứng ở phía sau động từ. Câu cầu khiến thường được sử dụng với ngữ điệu để ra lệnh, đề nghị, yêu cầu hay khuyên bảo người nghe nên làm hoặc không nên làm điều gì đó.
Trong văn viết, câu cầu khiến (hay câu mệnh lệnh) thường được kết thúc bằng dấu chấm than, nhưng trong trường hợp ngữ điệu cầu khiến không cần nhấn mạnh vấn đề thì nó có thể kết thúc bằng dấu chấm.
Một số ví dụ minh họa về câu cầu khiến:
- Hãy ăn cơm mau đi!
→ đây là câu cầu khiến dùng với mục đích ra lệnh.
- Tất cả chúng ta cùng bước tiếp nào.
→ đây là câu cầu khiến với mục đích ra lệnh nhưng ý cầu khiến không cần phải nhấn mạnh vấn đề nên nó được kết thúc bằng dấu chấm.
- Đừng chơi game online nữa!
→ đây là câu cầu khiến với mục đích khuyên bảo.
Câu cầu khiến có những đặc điểm hình thức nào?
Câu cầu khiến thường mang ngữ điệu cầu khiến và ngữ điệu ấy tới từ việc sử dụng các động từ – cụm động từ với sắc thái nhấn mạnh vấn đề. Câu cầu khiến cũng thường sử dụng kèm những từ ngữ mang tính chất ra lệnh hay yêu cầu. Từ cầu khiến có thể đứng phía trước động từ hoặc đằng sau động từ trung tâm.
+ Từ cầu khiến đứng trước động từ có thể sử dụng các từ như: hãy, đừng, chớ,…
Ví dụ minh họa:
- Hãy đóng cửa!
→ Từ “hãy” được sử dụng với ý nghĩa để khuyên nhủ, đề nghị và đôi khi là để ra lệnh.
- Đừng nói chuyện riêng.
Chớ làm phiền đến người khác bằng những việc nhỏ nhặt.
→ Từ “đừng, chớ” là từ cầu khiến mang ý nghĩa phủ định nhấn mạnh vấn đề rằng người nghe không nên/ không được làm điều đang làm hiện tại nữa.
+ Từ cầu khiến đứng đằng sau động từ có thể sử dụng các từ như đi, nào, …
Ví dụ minh họa:
- Ăn nhanh lên đi nào!
- Hãy đứng ngay lên đi!
→ Từ “đi, nào” là từ cầu khiến, từ đệm giúp tăng thêm sắc thái và thúc đẩy hành động của người nghe.
+ Ngoài ra các bạn còn có thể sử dụng các từ như “nhé, nha” trong câu cầu khiến để câu nói thêm phần nhẹ nhàng uyển chuyển hơn.
Ví dụ so sánh hai câu sau:
- Đi ăn sáng nào.
- Đi ăn sáng nha.
→ Từ “nha” sẽ giúp câu nói trở nên mềm mại, uyển chuyển và khiến cho tất cả những người nghe cảm thấy nhận được sự tôn trọng.
* Lưu ý: Phân biệt động từ “đi” bình thường và từ “đi” mang ý nghĩa cầu khiến
Ví dụ:
– Đi về nhà ngay! (Từ “đi” trong trường hợp này sẽ mang ý nghĩa chỉ hành động di chuyển từ một điểm này tới điểm khác).
– Hãy cùng đứng lên đi! (Từ “đi” trong trường hợp này lại mang ý nghĩa cầu khiến như thúc giục hành động).
+ Trong giao tiếp thông thường bên cạnh việc sử dụng các từ ngữ, người nói còn cần sử dụng cả ngữ điệu. Cùng là một câu nói tuy nhiên với ngữ điệu khác nhau sẽ mang đến những mục đích khác nhau.
Ví dụ minh họa:
Lan đang vừa ăn cơm vừa dán mắt xem tivi.
Mẹ bảo: Đừng có mà xem tivi nữa!
Nếu câu nói của mẹ có ngữ điệu bình thường thì đó chính là một lời nhắc nhở. Nhưng nếu là câu “Đừng xem tivi nữa!” được mẹ nói bằng một giọng cao nhấn mạnh vấn đề thì đó câu nói đó sẽ là ra lệnh.
+ Trong một số trường hợp để nhấn mạnh vào vấn đề người nói có thể rút gọn một số thành phần của câu chỉ giữ lại cụm từ mang hàm ý cầu khiến. Câu cầu khiến sẽ không nhất thiết phải đảm bảo đầy đủ các thành phần của câu. Cần phải đặt trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể cũng như đối tượng giao tiếp cụ thể để nắm rõ ý nghĩa của người nói, người viết.
Những tác dụng câu cầu khiến
Câu cầu khiến được sử dụng rất phổ biến trong đời sống hàng ngày, bởi đây là loại câu có thể dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị hoặc khuyên bảo. Tùy theo mục đích cầu khiến mà người dùng có thể lựa chọn từ ngữ cầu khiến cho phù hợp.
Ví dụ minh họa:
- Cả lớp 8 B trật tự!
→ đây là câu cầu khiến với mục đích để ra lệnh
- Hãy uống thuốc bắc đúng giờ.
→ đây là câu cầu khiến với mục đích khuyên nhủ
- Mình cùng đi ăn cơm đi!
→ đây là câu cầu khiến với mục đích đề nghị
Ngoài ra, trong một số trường hợp giao tiếp cụ thể, câu cầu khiến sẽ được tối giản chủ ngữ. Ví dụ như:
- Mở cửa!
- Im lặng!
- Đi nhanh!
Các dấu hiệu nhận biết của câu cầu khiến
Chúng ta có thể nhận biết câu nào là câu cầu khiến bằng một số cách đơn giản như sau:
- Qua hình thức của câu: câu thường được kết thúc bằng dấu chấm than
- Qua giọng điệu, ngữ nghĩa khi đọc/nói: giọng nói gấp gáp, dứt khoát hoặc cũng có thể là giọng nói như có ý muốn đề nghị/yêu cầu/ra lệnh làm việc nào đó.
Ví dụ minh họa:
Mở cửa ra!
Đừng hút thuốc trong phòng họp.
Hãy vứt rác vào thùng đúng nơi quy định.
Ví dụ minh họa
Với câu cầu khiến chúng ta có thể dễ dàng tìm được ví dụ rất đơn giản trong các lời nói hàng ngày như khi ra lệnh, khuyên bảo, đề nghị ai đó. Một số ví dụ cụ thể để bạn có dễ hiểu như:
+Hãy mở cửa sổ phòng ra cho thoáng nào!
=> “Hãy” chính là từ cầu khiến, yêu cầu một ai đó thực hiện mệnh lệnh.
+ Đừng nên hút thuốc lá, nó có hại cho sức khỏe.
=> “Đừng” từ cầu khiến dùng như khuyên bảo ai đó tránh xa thuốc lá vì nó có hại.
+Thôi đừng lo lắng quá, việc đâu còn có đó cơ mà.
=> “Thôi đừng” là từ ngữ cầu khiến với ý nghĩa khuyên nhủ, an ủi người khác.
Cách để đặt câu cầu khiến
Câu cầu khiến được sử dụng rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, trong cả văn nói và văn viết. Lúc đặt câu cầu khiến, chúng ta có thể theo những bước sau:
Bước 1: Xác định chính xác mục đích giao tiếp, ta sử dụng câu cầu khiến để làm gì? (như để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị hay khuyên nhủ).
Bước 2: Lựa chọn từ ngữ, từ câu khiến cho thích hợp. Tùy thuộc vào đối tượng người dùng, người nghe, người đọc mà lựa chọn những từ ngữ thích hợp để diễn tả yêu cầu cầu khiến.
Bước 3: Lựa chọn dấu câu cũng như các từ đệm.
Bước 4: Đặt câu cầu khiến.
Bước 5: Đọc và chỉnh sửa lại câu cầu khiến.
Một số điều cần lưu ý khi sử dụng câu cầu khiến
Vì câu cầu khiến thường được sử dụng với mục đích đưa ra yêu cầu, đề nghị nên những khi sử dụng câu cầu khiến, chúng ta cần căn cứ vào đối tượng người để sử dụng từ ngữ cho thích hợp, tránh để người nghe, người đọc hiểu sai thái độ của người nói người viết cũng như tránh gây ra việc bất lịch sự, thiếu tôn trọng trong giao tiếp.
Ví dụ: Khi Lan cần nhờ Minh giúp đỡ một việc gì đó, Lan nên nói rằng:
- Minh ơi, cậu mở giúp tớ chai nước này với!
→ câu cầu khiến trên vừa thể hiện được yêu cầu, vừa thể hiện thái độ lịch sự trong giao tiếp. Người nghe hiểu được yêu cầu đồng thời sẽ vui lòng mà giúp đỡ.
Nhưng nếu như Lan đề nghị Minh chỉ với câu nói:
- Minh, mở chai nước!
→ câu cầu khiến trên vẫn thể hiện rõ yêu cầu nhưng (người nghe) Minh sẽ cảm thấy không được tôn trọng vì (người nói) Lan như đang ra lệnh cho mình chứ không phải nhờ sự giúp đỡ.
Bài tập ôn luyện về câu cầu khiến
Bài tập 1. Trong những câu văn cho sẵn sau, những câu văn nào là câu cầu khiến?
- Ngày mai chúng ta sẽ được đi tham quan nhà máy thủy điện Hòa Bình đấy.
- Con đừng lo lắng quá, mẹ sẽ luôn ở bên con.
- Ồ, bông hoa nở đẹp quá!
- Hãy đem những chậu hoa sen này ra ngoài sân chơi sau.
- Bạn cho mình mượn cây bút máy đi.
- Chúng ta nên về thôi các bạn ơi.
- Lấy giấy, bút ra làm kiểm tra 15 phút!
- Chúng ta phải luôn ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ.
- Hỡi các anh chị em nhà nông tiến lên!
- Anh cứ nhắn tin trả lời thế đi!
- Trời lạnh quá, em đi mặc thêm áo gió.
- Em mặc thêm áo ấm vào đi!
- Đi đi, con!
- Mày đi đi!
Giải bài tập 1:
Những câu văn sau là câu cầu khiến: 2 (mục đích khuyên bảo), 4 (mục đích đề nghị), 5 (mục đích yêu cầu), 6 (mục đích khuyên bảo), 7 (mục đích ra lệnh), 8 (mục đích khuyên bảo), 9 (mục đích ra lệnh), 10 (mục đích khuyên bảo), 12 (mục đích khuyên bảo), 13 (mục đích khuyên bảo), 14 (mục đích ra lệnh).
Các câu văn không phải là câu cầu khiến: 1 (mục đích thông báo), 3 (mục đích bộc lộ cảm xúc), 11 (mục đích thông báo).
Bài tập 2. So sánh các câu văn sau đây:
- Chồng tôi đang đau ốm, các ông không được phép hành hạ!
- Chồng tôi đau ốm, các ông đừng hành hạ!
- Chồng tôi đau ốm, xin các ông chớ hành hạ!
a. Xác định sắc thái mệnh lệnh có trong các câu văn trên?
b. Câu văn nào có tác dụng nhất và vì sao?
Hướng dẫn làm bài 2
a.
Câu văn | Sắc thái mệnh lệnh |
Chồng tôi đang đau ốm, các ông không được phép hành hạ! | Kiên quyết |
Chồng tôi đau ốm, các ông đừng hành hạ! | Cầu khẩn |
Chồng tôi đau ốm, xin các ông chớ hành hạ! | Van xin |
b. Câu 1 là câu văn có tác dụng nhất : “Chồng tôi đau ốm, các ông không được phép hành hạ !”. Vì đây là một mệnh lệnh từ trái tim, từ lẽ phải → chị Dậu kiên quyết hành động để bảo vệ an toàn cho chồng mình.
Bài 3: Hãy cho biết tác dụng của từng câu cầu khiến sau:
a, Cậu nên đi làm đi.
b, Đừng nói chuyện!
c, Hãy lấy gạo nếp làm bánh để lễ Tiên Vương.
d, Nắm lấy tay tôi này!
e, Đừng khóc.
Hướng dẫn làm bài tập 3
Câu cầu khiến | Tác dụng |
a, Cậu nên đi làm đi. | Khuyên bảo |
b, Đừng nói chuyện! | Đề nghị |
c, Hãy lấy gạo nếp làm bánh để lễ Tiên Vương. | Khuyên bảo |
d, Nắm lấy tay tôi này! | Yêu cầu |
e, Đừng khóc. | Khuyên bảo |
Bài 4: Hãy chỉ ra câu cầu khiến xuất hiện trong các đoạn sau, đặc điểm hình thức và chức năng của những câu cầu khiến đó là gì?
a. Bà buồn lắm, toan định vứt đi thì đứa con bảo :
– Mẹ ơi, con là con người đấy. Mẹ ơi, mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp. (Sọ Dừa)
b. Vua lấy làm thích thú vội ra lệnh :
– Hãy vẽ ngay cho ta một chiếc thuyền buồm! Ta muốn ra khơi đánh cá.
c. Thấy thuyền buồm còn đi quá chậm, nhà vua đứng trên mũi thuyền mà kêu lớn :
– Cho gió to thêm một chút nữa! Cho gió to thêm một chút nữa!
d. Vua cuống cuồng kêu lên:
– Đừng cho gió thổi mạnh nữ! Đừng cho gió thổi mạnh nữa! (Cây bút thần)
Hướng dẫn làm bài tập 4
Câu cầu khiến | Đặc điểm hình thức | Chức năng |
a. Mẹ ơi, mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp. | Kết thúc bằng dấu (.) và có từ nghi vấn là (đừng) | Khuyên bảo |
b. Hãy vẽ ngay cho ta một chiếc thuyền buồm! | Kết thúc bằng dấu (!) và có từ nghi vấn là (hãy) | Đề nghị |
c. Cho gió to thêm một chút nữa! Cho gió to thêm một chút nữa! | Kết thúc bằng dấu (!) | Yêu cầu |
d. Đừng cho gió thổi mạnh nữa! Đừng cho gió thổi mạnh nữa! | Kết thúc bằng dấu (!) và có từ nghi vấn là (đừng) | Ra lệnh |
Bài viết trên là những kiến thức về câu cầu khiến, hi vọng rằng sau khi tham khảo bài viết các bạn học sinh đã biết được câu cầu khiến là gì? Đặc điểm, tác dụng câu cầu khiến. Sau khi đã nắm được các kiến thức các bạn đừng quên bỏ chút thời gian ra làm các bài tập ôn luyện để củng cố thêm kiến thức nhé!