ASM là một chức vụ đáng mơ ước, mục tiêu phấn đấu của các nhân viên kinh doanh. Hãy cùng tìm hiểu ASM là gì, các kỹ năng cần thiết và công việc của ASM trong bài viết sau đây nhé!
ASM là gì?
ASM là viết tắt của từ Area Sales Manager có nghĩa là Giám đốc bán hàng khu vực, Giám đốc kinh doanh vùng. Đây là vị trí có ảnh hưởng nhiều nhất đến doanh thu bán hàng và công tác giám sát triển khai hoạt động kinh doanh tại khu vực mà họ phụ trách.
ASM chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện mục tiêu bán hàng trong khu vực quản lý. Đồng thời, phát triển mối quan hệ chặt chẽ với tất cả phòng ban để thúc đẩy kinh doanh và tìm kiếm khách hàng mới. Họ chính là chuyên gia về sản phẩm, thị trường, xu hướng tiêu dùng, bán hàng và hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp tại các khu vực.
Công việc của giám đốc kinh doanh vùng ASM là gì?
Trực tiếp đề xuất, tham mưu cho ban lãnh đạo
Giám đốc kinh doanh vùng là người hiểu rõ tình hình thị trường, thị hiếu, nhu cầu khách hàng cũng như các thuận lợi, khó khăn tại khu vực mình quản lý. Do đó, họ được ban lãnh đạo đặc biệt tin tưởng khi cần xét duyệt phương án hỗ trợ, giải quyết các khó khăn về tình hình kinh doanh tại khu vực cũng như tham mưu cho các dự án sắp triển khai.
Nhờ sự cố vấn của các ASM, ban lãnh đạo có thể đưa ra các quyết định chiến lược kinh doanh tốt nhất đối với từng khu vực.
Xây dựng và phát triển hệ thống khách hàng trong vùng
Giám đốc vùng cần quan tâm và giám sát hoạt động của các chi nhánh trong vùng để định hướng, lên kế hoạch chi tiết về việc mở rộng hệ thống phân phối theo yêu cầu và quy mô phát triển của công ty, doanh nghiệp.
Bao gồm: xác định hướng nghiên cứu, kiểm soát các vị trí cho chi nhánh phân phối đảm bảo thỏa mãn các điều kiện như: khả năng tiếp cận khách hàng, chi phí mặt bằng phù hợp…
Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch vùng
Nhiệm vụ của Giám đốc vùng là lập kế hoạch chi tiết để đạt được chỉ tiêu về doanh thu từ cấp trên.
Kiểm tra và phê duyệt các báo cáo về chỉ tiêu doanh số của các trưởng chi nhánh, đảm bảo hệ thống kinh doanh, phân phối trong vùng phát triển đồng nhất.
Trực tiếp xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hệ thống phân phối
Giám đốc vùng không chỉ tiếp nhận thông tin từ các trưởng chi nhánh mà còn phải xây dựng riêng một đội ngũ giám sát hoạt động chi nhánh để đảm bảo tính chủ động trong phát hiện và xử lý các vấn đề kịp thời.
Có nhiều phương thức như hệ thống giám sát chéo, hệ thống giám sát riêng tùy thuộc cách thức quản lý của Giám đốc vùng và tính chất công việc.
Ngoài ra, họ cũng cần chú trọng giữ gìn hình ảnh, thương hiệu, hoạt động kinh doanh hiệu quả trong khu vực để công ty phát triển bền vững.
Phân tích các dữ liệu và kết quả kinh doanh
Thu thập và phân tích dữ liệu từ các trưởng chi nhánh để hiểu rõ hơn về hoạt động kinh doanh hàng tháng, hàng tuần, thậm chí là hàng ngày.
Bên cạnh đó, Giám đốc vùng cần phải phân tích dữ liệu về đối thủ cạnh tranh để đề xuất các phương án xử lý kịp thời cho công ty.
Trách nhiệm quản lý thu hồi công nợ
Giám đốc vùng thường nhận được báo cáo về tình hình công nợ hàng tháng và có nhiệm vụ đôn đốc, tham mưu, chỉ đạo việc thu hồi công nợ với phòng kế toán.
Trực tiếp đào tạo, bố trí và sắp xếp nhân sự cho hệ thống kinh doanh vùng
Đội ngũ nhân viên kinh doanh đóng vai trò quan trọng và trực tiếp đối với tình hình kinh doanh của công ty. Vì vậy, việc đào tạo và bố trí nhân sự hợp lý là nhiệm vụ quan trọng của Giám đốc vùng. Họ cần tính toán cụ thể, thấu hiểu để sắp xếp nhân sự chính xác nhất cùng như lan tỏa văn hóa doanh nghiệp qua quá trình đào tạo nhân sự.
Trực tiếp báo cáo và tiếp nhận các chỉ thị từ cấp trên
Giám đốc vùng chịu trách nhiệm báo cáo hoạt động và tình hình tại khu vực mình quản lý hàng tuần, hàng tháng với ban lãnh đạo.
Ngoài ra, họ còn là người chịu trách nhiệm chính về tiến độ, kết quả, chỉ tiêu và các vấn đề liên quan đến hệ thống kinh doanh vùng.
Họ có nhiệm vụ thực hiện các công việc được giao từ cấp trên đồng thời đề xuất các ý kiến, phương án có tính khả thi và phù hợp với khu vực.
Những kỹ năng của một ASM chuyên nghiệp
Lãnh đạo
Đây là chìa khóa thành công cho các ASM. Họ không chỉ là những người bán hàng tài giỏi mà còn là người truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho đội ngũ bán hàng của mình, giúp đội nhóm đạt được mục tiêu đề ra.
Kỹ năng tổ chức và lập kế hoạch
Một ASM giỏi phải biết cách tổ chức tốt hệ thống nhân sự đông đảo bên dưới mà không gây rối loạn, lục đục nội bộ. Bên cạnh đó, họ cần vạch ra các kế hoạch cụ thể, chi tiết để đội ngũ cấp dưới đi đúng hướng và đạt được doanh thu mục tiêu.
Khả năng phân tích
Chức vụ ASM bắt buộc phải thu nhận được mọi thông tin liên quan đến hệ thống bán hàng của mình. Từ đó, đưa ra các quyết định, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để cân bằng lợi ích cho tổ chức.
Hiểu người tiêu dùng
Kỹ năng quan trọng nhất để trở thành một người bán hàng giỏi là thấu hiểu khách hàng và nhu cầu của họ. Chính vì vậy, ASM cần có được sự nhạy bén, am hiểu về thị hiếu khách hàng để định hướng, dẫn dắt đội ngũ cấp dưới, nâng cao năng lực bán hàng và đem lại kết quả kinh doanh tốt nhất cho tổ chức.
Làm sales mấy năm thì lên được ASM?
Thị trường Việt Nam thường được chia thành 6 vùng miền, tương ứng với 4 đến 6 ASM và thuộc quyền quản lý của National Sales Manager (Giám đốc bán hàng quốc gia). Thông thường, bên dưới ASM có 4 đến 6 Sales Supervisor (Giám sát bán hàng). Mà mỗi Giám sát bán hàng lại có 4 đến 6 Salesman (nhân viên kinh doanh).
Vì vậy, để lên được vị trí ASM, bạn cần phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm Giám sát bán hàng.
Bài viết trên đây hẳn đã giúp các bạn có được cái nhìn tổng thể về ASM. Đây là một vị trí đòi hỏi tích lũy nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và tư duy nhạy bén theo thời gian. Chúc các bạn bền gan vững chí để đạt được vị trí ASM như mong ước!