Hậu sản sau sinh là gì? Những căn bệnh hậu sản sau sinh thường gặp

Ông bà ta đã có câu “Chửa đẻ là cửa mả” để nói đến sự nguy hiểm, gian nan của phụ nữ khi mang thai, sinh nở. Hậu sản sau sinh cũng là vấn đề được nhiều chị em rất quan tâm. Cùng tìm hiểu những căn bệnh hậu sản sau sinh là gì nhé!

Hậu sản sau sinh là gì?

Hậu sản sau sinh là gì? Theo quan niệm y học hiện đại ngày nay, hậu sản là khoảng thời 6 tuần kể từ ngày sinh. Tại sao có khoảng thời gian như vậy là vì khi mang thai, các cơ quan sinh dục của phụ nữ thay đổi, phát triển để thích nghi với việc có em bé. Sau khi sinh con được 6 tuần ngoại trừ ngực vẫn phát triển để có sữa nuôi con, các cơ quan sinh dục khác dần trở lại bình thường như trước mang thai, sinh đẻ.

Tìm hiểu về hậu sản sau sinh là gì?
Hậu sản là như thế nào

Hầu hết phụ nữ đều có thể tự phục hồi một cách nhanh chóng sau khi sinh con. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các vấn đề sức khỏe thông thường lại diễn biến nghiêm trọng do thể trạng sức khỏe mẹ yếu, hoặc các do căn bệnh đặc trưng sau sinh nở gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của mẹ, chúng được gọi chung là các bệnh hậu sản.

Chúng ta có thể kể đến một số tình trạng bệnh phổ biến như: băng huyết, đau đầu, ho kéo dài, đau bụng dưới, sốt, khó thở, tăng huyết áp, táo bón, trầm cảm, rụng tóc,…nhóm bệnh này chính là các bệnh hậu sản sau sinh.

Và bất cứ người phụ nữ nào sau khi thực hiện thiên chức làm mẹ sinh con xong, đều sẽ bước vào giai đoạn hậu sản. Nếu phụ nữ không được chăm sóc tốt trong giai đoạn sau sinh con sẽ rất dẫn đến dễ mắc một số bệnh lý. 

Nguyên nhân gây ra hậu sản sau sinh

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bị hậu sản sau sinh, nhưng chúng ta có thể nhắc đến một số nguyên nhân chính sau đây:

Trong thời kỳ mang thai, thai phụ không được bồi bổ, chăm sóc tốt khiến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, thể lực yếu, sức khỏe suy nhược.

Hội chứng Hellp sau sinh
Hội chứng Hellp là một trong những căn bệnh hậu sản sau sinh

Trước khi sinh, thai phụ gặp tình trạng mệt mỏi, căng thẳng kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi không thể hấp thụ chất dinh dưỡng dẫn đến kiệt sức và nguy cơ mắc bệnh lý.

Những áp lực vô hình từ việc chăm sóc con nhỏ sau sinh. Dù các mẹ thường đã chuẩn bị tâm lý và kiến thức kỹ càng về việc chăm sóc trẻ. Nhưng khi thật sự đối diện với việc chăm sóc con, nhiều mẹ khó tránh khỏi những áp lực vô hình. Lâu dần những áp lực đó sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe của người mẹ.

Không kiêng cữ sau khi sinh con cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh hậu sản sau sinh. Vì các cơ quan sinh dục của phụ nữ cần ít nhất 6 tuần để trở lại bình thường như trước sinh, do đó việc không kiêng cữ, vệ sinh và gần gũi chồng quá sớm sẽ gây nên những tổn thương cơ quan sinh dục cũng sẽ khiến cơ thể dễ mắc các bệnh lý hơn.

Những căn bệnh hậu sản sau sinh thường gặp

Nhiễm trùng hậu sản

Nhiễm trùng, nhiễm khuẩn hậu sản là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở sản phụ sau khi sinh xuất phát từ nhiễm khuẩn đường sinh dục như âm đạo, cổ tử cung, tử cung trong khoảng thời gian 6 tuần đầu sau sinh.

Nhiễm trùng hậu sản là một tai biến sản khoa, thường xảy ra do nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là đe dọa tính mạng của sản phụ. 

Nhiễm trùng hậu sản
Nhiễm trùng hậu sản vô cùng nguy hiểm cho sản phụ

Các hình thái nhiễm trùng hậu sản thường gặp là nhiễm khuẩn ở tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ; viêm niêm mạc tử cung, viêm tử cung và quanh tử cung, viêm phúc mạc tiểu khung, phúc mạc toàn bộ, nhiễm trùng huyết, viêm tắc tĩnh mạch,…

Một số yếu tố thuận lợi thúc đẩy cho sự phát triển của vi khuẩn có thể kể đến như thiếu chất dinh dưỡng, thiếu máu, nhiễm độc thai kỳ, ối vỡ non, thời gian chuyển dạ kéo dài, ứ tắc sản dịch, trước đó đã từng bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung,…

Triệu chứng của nhiễm khuẩn hậu sản thường là sốt cao trên 38 độ C, mệt mỏi, đau sưng mủ tại chỗ viêm, sản dịch có mùi hôi, tử cung co rút chậm và đau,…Trong trường hợp nhiễm trùng hậu sản nặng, sản phụ có thể sốt cao, rét run và hạ huyết áp.

Băng huyết ở sản phụ sau sinh

Băng huyết sau sinh có nguy cơ xảy ra cao nhất trong vòng 24 giờ sau sinh. Băng huyết hậu sản là một tai biến sản khoa thường gặp. Băng huyết sau sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở sản phụ, chiếm lên đến 35%. 

Sau đây là một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng băng huyết sau sinh:

  • Cơ tử cung suy yếu do đã sinh nở nhiều lần. 
  • Sản phụ có tiền sử sảy thai, nạo, phá hay hút thai nhiều lần.
  • Sản phụ đẻ nhanh, đặc biệt là đẻ ở tư thế đứng.
  • Tử cung sản phụ có sẹo mổ, u xơ tử cung, tử cung bị căng giãn quá mức do bị đa thai, đa ối, thai to hay tử cung bị dị dạng.
Nguy cơ bị băng huyết sau sinh
Tất cả phụ nữ mang thai và sinh con đều có nguy cơ bị băng huyết
  • Còn sót nhau trong buồng tử cung.
  • Thời gian chuyển dạ kéo dài, gây nhiễm khuẩn ối.
  • Do dây nhau ngắn, dây nhau cuốn cổ nhiều vòng, hoặc do hộ sinh lấy nhau sai kỹ thuật, không đúng cách.
  • Đỡ đẻ thiếu chuyên môn, không đúng cách, cổ tử cung chưa được mở hết sản phụ đã rặn.
  • Sau đẻ non hay thai lưu cũng gặp tình trạng băng huyết.
  • Băng huyết còn có thể xảy ra khi cơ thể sản phụ bị suy nhược, hay thiếu máu, cao huyết áp, nhiễm độc thai kỳ.

Triệu chứng chung của băng huyết hậu sản là chảy máu nhiều sau khi sinh con và sổ nhau. Khi sản phụ bị mất máu quá nhiều có thể bị choáng váng, mạch đập nhanh, huyết áp hạ thấp, tay chân lạnh, vã mồ hôi,… Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng băng huyết mà có thêm những triệu chứng đặc trưng khác. 

Tóm lại, băng huyết là căn bệnh hậu sản sau sinh vô cùng nguy hiểm. Sản phụ cần thông báo ngay cho các bác sĩ khi gặp bất kỳ triệu chứng trên. Các bác sĩ cần nhanh chóng chuẩn bị những biện pháp can thiệp kịp thời cho từng trường hợp. 

Bế tắc sản dịch

Sản dịch là căn bệnh thông thường gặp ở sản phụ. Sản dịch là dịch từ tử cung và đường sinh dục chảy ra ngoài trong những ngày đầu tiên của thời kỳ hậu sản sau sinh. 

Sản dịch sau khi sinh
Sản dịch là dịch chảy ra sau khi sinh con

Trong 3 ngày đầu, sản dịch sẽ gồm máu cục và máu loãng có màu đỏ sẫm, từ ngày thứ 4 đến thứ 8 sản dịch loãng dần, từ ngày 9 trở đi sản dịch không có máu chỉ còn dịch trong suốt hoặc trắng chứa bạch cầu và mô màng vỏ hoại tử. Hiện tượng này tiếp tục kéo dài trong khoảng 2 đến 3 tuần nữa.

Bế sản dịch là hiện tượng sản dịch tắc, không thoát ra ngoài được, ứ đọng lại trong tử cung. Sản phụ bị bế sản dịch nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời có thể dẫn tới tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu không cầm và nguy hiểm đến tính mạng.

Bình thường sản dịch sẽ không có mủ, nhưng khi chảy qua âm hộ, âm đạo, sản dịch có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn,… Sản dịch sau khi bị nhiễm khuẩn thường sẽ có mùi hôi.

Nếu sản dịch ra nhiều, kéo dài hoặc đã hết máu đỏ sẫm lại tái ra máu hay bế sản dịch bác sĩ cần theo dõi có sót nhau khi đẻ. Một số sản phụ có thể ra một ít máu qua đường âm đạo vào thời điểm 3 tuần sau khi sinh. Hiện tượng này còn gọi là thấy kinh non do niêm mạc tử cung phục hồi sớm. 

Chu kỳ thông thường của sản dịch sau sinh
Chu kỳ thông thường của sản dịch sau sinh

Trong thời gian sản dịch, sản phụ không nên sử dụng các tampon quá sớm trong khoảng 6 tuần đầu tiên mà chỉ nên sử dụng băng vệ sinh, vì dùng tampon có thể vô tình đưa vi khuẩn vào sâu tử cung. Đặc biệt, sản phụ cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân bằng việc tắm rửa và làm sạch cơ thể nhất là vùng kín hàng ngày, thường xuyên thay mới băng vệ sinh.

Sản phụ cần chú ý tới những dấu hiệu sau sinh bất thường như chảy máu, đau bụng hoặc sốt, vì đây có thể là những dấu hiệu khi bị hậu sản sau sinh. Khi có bất kỳ dấu hiệu bị hậu sản sau sinh nào, sản phụ không nên chủ quan, mà hãy đến ngay bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, chẩn đoán và điều trị.

Tiền sản giật sau sinh

Tiền sản giật sau sinh giống như chứng tiền sản giật trong giai đoạn thai nghén. Đây là một căn bệnh hậu sản hiếm gặp nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra khi sản phụ bị tăng huyết áp và protein niệu xuất hiện ngay sau sinh. Thường thì, tiền sản giật hậu sản nguy cơ xảy ra trong vòng 48 giờ sau sinh, nhưng đôi khi muộn hơn đến 6 tuần sau sinh.

Khi các mẹ mắc chứng tiền sản giật hậu sản, các bác sĩ phải khẩn trương tiến hành công tác điều trị ngay lập tức, không được chậm trễ nếu không bệnh có thể chuyển biến thành sản giật gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.

Thông thường, phụ nữ sau sinh mắc tiền sản giật hậu sản thường sẽ có những triệu chứng, dấu hiệu như sau: tăng huyết áp, đạm niệu, có thể đi kèm theo nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tiểu ít, đau thượng vị, phù, tăng cân nhanh.

Tiền giật sản sau sinh
Sản phụ cần chú ý những triệu chứng sức khỏe trong thời kỳ hậu sản

Tiền sản giật hậu sản có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Sản giật hậu sản: là chứng tiền sản giật và kèm theo cơn co giật. Sản giật hậu sản có thể khiến não, gan và thận của sản phụ tổn thương vĩnh viễn. Nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng có thể gây tử vong.
  • Phù phổi: Khi sản phụ bị phù phổi, nước sẽ bị tích trong phổi, đe dọa tính mạng sản phụ.
  • Thuyên tắc mạch: là tình trạng thiếu máu nuôi cơ thể, gây hoại tử các cơ quan.
  • Hội chứng HELLP: gồm triệu chứng giảm tiểu cầu, tăng huyết áp, tăng men gan. Hội chứng HELLP có thể đe dọa tính mạng của người bệnh, gây ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của sản phụ.

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa chứng tiền sản giật hậu sản. Sản phụ nên chuẩn bị sẵn cho bản thân những kiến thức về bệnh, để có thể liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Bên cạnh đó, sản phụ nên theo dõi sát sao huyết áp và lưu ý những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cơ thể trong giai đoạn hậu sản.

Lên máu sản hậu của sản phụ

Lên máu hậu sản là gì? Lên máu hậu sản là tình trạng huyết áp mẹ sau sinh bị ảnh hưởng hay còn gọi là cao huyết áp sau sinh. Nếu sau khi sinh khoảng hơn 12 tuần mà huyết áp của bạn không trở lại bình thường thì được xác định là cao huyết áp.

Đại đa số các trường hợp tăng huyết áp là vô căn cứ và không thể xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Biến chứng của bệnh cao huyết áp hậu sản nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có hiệu quả rất có thể dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm khác như: Dày thất trái, giãn thất phải, suy tim, bệnh mạch vành, tai biến mạch não, các bệnh lý về võng mạc, suy thận, tiểu đạm, bệnh lý mạch máu ngoại biên,…

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ sau sinh

Nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh hay viêm đường tiết niệu có nguyên nhân là do bộ phận sinh dục nữ có niệu đạo ngắn, lại gần hậu môn nên vi khuẩn rất dễ xâm nhập và gây bệnh lý. 

Nhiễm trùng đường tiết niệu
Chế độ ăn uống và vệ sinh hợp lý giúp sản phụ tránh nguy cơ bị viêm đường tiết niệu

Ở phụ nữ sau sinh, việc sử dụng băng vệ sinh hàng này do tình trạng ra sản dịch tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo. Trong một số trường hợp nguy hiểm, vi khuẩn có thể di chuyển tới thận và gây viêm thận.

Khi mắc phải bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh, sản phụ thường có dấu hiệu nhận biết như buồn tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu lại rất ít. Khi đi tiểu, sản phụ có cảm giác đau buốt, ngứa rát và nước tiểu bị đổi màu bất thường. Ngoài ra, sản phụ còn bị đau âm ỉ vùng bụng dưới. Trong trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như sốt cao, buồn nôn, ớn lạnh.

Khi xuất hiện những triệu chứng trên của nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh, sản phụ cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ thăm khám và điều trị. 

Đặc biệt, sản phụ cũng cần lưu ý đến chế độ ăn uống và vệ sinh cá nhân để phòng ngừa bệnh. Cụ thể, sản phụ nên bổ sung những loại trái cây có chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, bưởi, nước chanh. Vì vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp cải thiện ,tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch, yếu tố rất cần thiết trong quá trình điều trị phòng ngừa viêm đường tiết niệu.

Ngoài ra, sản phụ nên uống đủ 2,5 lít nước mỗi ngày giúp hỗ trợ quá trình đi tiểu, giúp đào thải loại bỏ dần vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu. Sản phụ đặc biệt lưu ý không nên nhịn tiểu vì nước tiểu càng ứ đọng, mầm bệnh càng có cơ hội sinh sôi nảy nở. Lưu ý quan trọng nhất giúp sản phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả là giữ vệ sinh vùng kín khô ráo, sạch sẽ. 

Tắc sữa, áp xe vú ở sản phụ sau sinh

  • Tắc tia sữa sau sinh

Hiện tượng tắc tia sữa sau sinh là hiện tượng sữa bị tắc không thoát ra ngoài được, hoặc thoát ra với lượng rất nhỏ mỗi khi em bé mút hoặc có tác động một lực giống như lực mút của trẻ.

Tắc tia sữa sau sinh
Tắc tia sữa sau sinh là bệnh hậu sản thường gặp

Tắc tia sữa là do sự chèn ép từ bên ngoài hay một lý do nào đó khiến ống dẫn, tia sữa bị tắc bên trong. Tắc tia sữa nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến áp xe vú, nặng là hình thành xơ tuyến vú, nhiễm trùng.

Tắc tia sữa có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt quá trình cho con bú, đặc biệt là những ngày đầu sau sinh.

Triệu chứng hiện tượng tắc sữa là : bầu vú căng, cứng, đau nhức, mức độ đau ngày càng tăng dần khiến người mẹ vô cùng đau đớn, khó chịu.

Khi sờ vào ngực thấy một hoặc rất nhiều cục cứng. Sữa tiết ra ít hoặc không tiết ra được. Người mẹ có thể đau phát sốt.

  • Áp xe vú hậu sản

Áp xe vú là hiện tượng xuất hiện ổ viêm ở sâu bên trong tuyến vú. Các ổ viêm này do vi khuẩn gây ra, chủ yếu là các vi khuẩn liên cầu khuẩn và tụ cầu. 

Áp xe vú thường xảy ra ở những phụ nữ cho con bú. Vi khuẩn từ đầu vú, lợi dụng các vết thương hở, theo ống dẫn sữa đi vào bên trong gây ra viêm nhiễm tuyến vú, hay tắc sữa lâu ngày không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến áp xe vú.

Tắc tia sữa là nguyên nhân dẫn đến áp xe vú
Tắc tia sữa là nguyên nhân dẫn đến áp xe vú ở phụ nữ cho con bú

Triệu chứng của áp xe vú sau sinh: sản phụ sốt cao, rét run. Vú sưng, nóng, đỏ, đau, khi thăm khám sẽ thấy các nhân mềm, có ổ chứa dịch ấn lõm. Hạch ở nách ấn đau, sữa có lẫn với mủ vàng. Siêu âm vú có nhiều ổ chứa dịch viêm. Xét nghiệm Công thức máu ra kết quả bạch cầu trung tính tăng. Kết quả xét nghiệm CRP (C – reactive protein) tăng. Cần chọc dò ổ viêm có mủ, cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ. Trong một số trường hợp, áp xe vú có thể là dấu hiệu bệnh ung thư vú.

Bên cạnh 7 loại bệnh hậu sản sinh phổ biến hay nguy hiểm trên thì các sản phụ còn có thể gặp phải rất nhiều bệnh hay triệu chứng bệnh lý khác như: không thể tự chủ đại tiểu tiện, rụng tóc, bệnh trĩ và táo bón, rạn da, ho sau sinh kéo dài, nhiễm khuẩn tầng sinh môn, hậu sản mòn, trầm cảm sau sinh,… Đặc biệt trầm cảm sau sinh và hậu sản mòn tuy không có triệu chứng cụ thể nhưng không điều trị kịp thời có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Rạn da, rụng tóc
Rạn da, rụng tóc, đau âm ỉ bụng dưới là các vấn đề sản phụ hay gặp phải

Trầm cảm sau sinh là tình trạng khá phổ biến hiện nay sản phụ bị rối loạn cảm xúc, hay có những suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, căng thẳng, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể tự khỏi hoặc thậm chí phải biện pháp can thiệp điều trị sử dụng thuốc mới khỏi được.

Hậu sản mòn là gì? Hậu sản mòn hay còn gọi là hiện tượng các mẹ sau sinh thiếu cân, quá gầy gò ốm yếu do chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không được chăm sóc đặc biệt cẩn thận sau sinh.

Các sản phụ bị hậu sản mòn thường có biểu hiện là cơ thể gầy ốm yếu, khó tăng cân, suy giảm sức đề kháng nên dễ bị nhiều bệnh tật. Bên cạnh đó, sau sinh nếu mẹ bị thiếu cân, thiếu chất sẽ dễ bị kiệt sức và suy dinh dưỡng.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sữa mẹ và sự phát triển của em bé. Khi cơ thể phụ nữ sau sinh thiếu chất, nguồn sữa sẽ không đủ dinh dưỡng để cung cấp cho bé phát triển khỏe mạnh và thông minh.

Hậu sản mòn sau sinh
Hậu sản mòn sau sinh các mẹ phải cẩn thận kẻo dễ mắc

Cách phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe cho mẹ thời kỳ hậu sản

Sau khi đã tìm hiểu hậu sản sau sinh là gì thì hãy dùng thapgiainhietliangchi tìm hiểu về cách chăm sóc sức khỏe cho mẹ sau sinh nhé.

Sau khi sinh con thời gian hậu sản vô cùng quan trọng, đây là thời gian hồi phục và quyết định sức khỏe của các mẹ sau này do đó sản phụ cũng như gia đình cần quan tâm đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Cần có các biện pháp phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe cho sản phụ thời kỳ hậu sản. Dưới đây là các cách phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe:

  • Không phát sinh quan hệ sinh hoạt vợ chồng ngay sau sinh, khi mà sức khỏe cũng như cơ thể chưa hồi phục. Cơ quan sinh sản rất cần có thời gian hồi phục sau khi trải qua quá trình mang thai, vượt cạn, quan hệ sau sinh sớm sẽ dễ gây ra những tổn thương cho âm đạo và các cơ quan sinh sản, dẫn đến việc nhiễm trùng nhiễm khuẩn.
  • Phải giữ cho vùng kín luôn khô ráo, sạch sẽ, không nên dùng các loại giấy thô nhám hay khăn ướt có hương liệu để vệ sinh âm đạo. Vệ sinh vùng kín bằng nước sạch đun sôi để ấm, tuyệt đối không thụt rửa sâu, mạnh tay vào trong âm đạo để tránh gây tổn thương.
  • Thay quần lót liên tục để giữ cho vùng sinh dục khô ráo để tránh bị nhiễm khuẩn sau sinh cũng là việc sản phụ nên thực hiện.
Theo dõi sát sao các dấu hiệu cơ thể để xử lý kịp thời
Theo dõi sát sao các dấu hiệu cơ thể để xử lý kịp thời
  • Tránh đi lại nhiều, vận động sớm, quá sức trong giai đoạn 1 tháng sau sinh. Sản phụ nên vận động nhẹ nhàng và đi lại khi đủ điều kiện sức khỏe.
  • Giữ gìn vệ sinh giường chiếu, thay mới chăn ga gối đệm thường xuyên.
  • Nếu thấy sản dịch đổi màu bất thường hoặc có mùi hôi, bộ phận sinh dục đau rát hay sưng tấy thì cần báo ngay cho bác sĩ. Sau khi sinh 2 tuần, hãy chủ động đến thăm khám lại để chắc chắn về tình trạng sức khỏe của mình, đề phòng nhiễm khuẩn sau sinh và phát hiện những vấn đề sức khỏe, đưa ra các phương án xử lý kịp thời.
  • Theo dõi lượng nước tiểu, số lần đi đại tiện để hạn chế liệt ruột và bàng quang. 
  • Sản phụ sau sinh cần phải giữ ấm cơ thể, không để cơ thể bị nhiễm lạnh, không dùng quạt thổi trực tiếp. Đặc biệt cần nằm trong phòng kín không cho gió lùa, không ra ngoài khi trời có gió lạnh, không sử dụng nước lạnh.
Các bố cần thông cảm, giúp đỡ, chăm sóc đặc biệt với sản phụ sau sinh
Các bố cần thông cảm, giúp đỡ, chăm sóc đặc biệt với sản phụ sau sinh

Sản phụ vừa mới trải qua một cuộc chuyển dạ nên cần phải có một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng, giúp mau hồi phục sức khỏe và có đủ sữa cho con bú. Chế độ ăn uống của sản phụ sau sinh cần lưu ý những điều sau:

  • Sản phụ không được ăn gì trong vòng 6 giờ đầu sau mổ ( đối với các mẹ đẻ mổ). Chú ý nguyên tắc sản phụ sẽ ăn từ chất lỏng đến đặc, ăn cơm khi đã xì hơi được.
  • Trong ngày đầu tiên sau sinh, sản phụ chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng. Sau khi xì hơi, sản phụ có thể ăn uống như bình thường, tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, thịt bò,…
  • Tránh dùng các gia vị có chất kích thích như ớt, cà phê, trà sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa cho con bú. Thay vào đó, mẹ cần uống đủ nước, khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày, ăn chín, tăng cường ăn rau xanh, trái cây và uống thêm các loại nước hoa quả, sữa… để tránh táo bón.
  • Bổ sung dinh dưỡng, nhất là các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, bữa ăn cần đầy đủ các thành phần dinh dưỡng như ngũ cốc, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin để cơ thể nhanh chóng phục hồi.
Mẹ sau sinh cần ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc với các mẹ sau sinh là điều rất quan trọng

Bên cạnh các biện pháp chăm sóc sức khỏe như ăn uống, vệ sinh,… sản phụ cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần. Bởi tinh thần sẽ chi phối trực tiếp đến cơ thể, nhất là vừa sinh xong phụ nữ thường gặp nhiều áp lực. Những biện pháp chăm sóc tinh thần sau đây:

  • Ngủ đủ giấc với các bà mẹ là điều hết sức quan trọng. Những người thân trong gia đình cần hỗ trợ chăm sóc bé để cho mẹ có thời gian ngủ. Trung bình mỗi ngày, mẹ cần ngủ khoảng 8 – 9 tiếng. Lúc ngủ, cơ thể người phụ nữ sẽ lấy lại sức khỏe, năng lượng và giúp ích cho sự tiết sữa tốt. Đồng thời giúp người mẹ có được tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, trầm cảm sau sinh.
Mẹ sau sinh nên gặp gỡ giao lưu với bạn bè
Mẹ sau sinh nên gặp gỡ giao lưu với bạn bè
  • Ngoài ra, trách nhiệm và sự quan tâm đến từ người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng đối với người vợ sau khi sinh là yếu tố rất quan trọng. Việc cần làm lúc này là sự thông cảm, thấu hiểu, sẻ chia những lo lắng, băn khoăn với vợ, chăm con và giúp đỡ việc nhà để vợ có thời gian nghỉ ngơi lấy sức. Bản thân người mẹ sau sinh cũng nên gặp gỡ, tâm sự với bạn bè để giải tỏa tâm lý, để tích cực lạc quan hơn.

Bài viết chia sẻ về hậu sản sau sinh là gì? những bệnh hậu sản sau sinh, triệu chứng, cách phòng ngừa và biện pháp chăm sóc mong rằng sẽ giúp ích cho các mẹ và người thân. Trong giai đoạn này việc hồi phục sức khỏe cho sản phụ là vô cùng quan trọng, các mẹ càng được chăm sóc cẩn thận, sức khỏe phục hồi nhanh thì nguy cơ mắc các bệnh hậu sản sau sinh càng thấp, đồng thời cũng đảm bảo sức khỏe sau này cho người mẹ.

About Hoangcuc

Tôi là Hoàng Thị Cúc - Tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm review các loại thiết bị vệ sinh công nghiệp và các kiến thức đời sống khác. Hy vọng những thông tin mà tôi chia sẻ sẽ giúp ích cho quý vị và các bạn!

View all posts by Hoangcuc →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *